Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường quản lý phế liệu nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính (cụ thể là Tổng cục Hải quan-PV).
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động quá cảnh phế liệu trong khoảng 3 năm gần đây (từ năm 2016 đến nay).
Đồng thời, Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan cho ý kiến, đề xuất các biện pháp quản lý phế liệu theo loại hình quá cảnh.
Việc này, nhằm ngăn ngừa hành vi lợi dụng hoạt động quá cảnh để thẩm lậu phế liệu vào nội địa.
Theo cập nhật của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2018, phế liệu nhựa, giấy, sắt thép từ Nhật Bản và Mỹ xuất khẩu vào thị trường Việt Nam chiếm tỉ trọng cao nhất.
Trong đó, riêng Nhật Bản chiếm 24,8% phế liệu nhựa (nhập khẩu của cả nước trong cùng thời điểm); phế liệu giấy chiếm 17,3%; phế liệu sắt, thép chiếm 29,7%.
Lượng phế liệu Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ lần lượt là: Phế liệu nhựa chiếm 14%; phế liệu giấy chiếm 39,6%; phế liệu sắt thép chiếm 18,7%.
Các thị trường khác xuất khẩu phế liệu nhựa, giấy, sắt thép vào Việt Nam là Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Australia, Đức, Italia, Canada...
Phế liệu ồ ạt nhập về từ đầu năm tới nay khiến nhiều cảng biển Việt Nam bị ùn tắc nghiêm trọng.
Trong đó, tại Cảng Cát Lái (TP.HCM), đến ngày 25/7/2018 đang tồn đọng 3.579 container phế liệu. Trong đó, tồn từ 30 ngày đến 90 ngày là 594 container; quá 90 ngày là 2.423 container; số container còn lại chưa quá 30 ngày.
Còn theo Cục Hải quan Hải Phòng, tính đến 1/8/2018, tại khu vực cảng Hải Phòng có 1.000 container phế liệu tồn đọng (quá hạn làm thủ tục 90 ngày). Trong đó, có đến 956 container là phế liệu nhựa; sắt phế liệu 33 container; phế liệu giấy 8 container; nhôm phế liệu 3 container.