Chính phủ siết nhập khẩu phế liệu

Không để Việt Nam thành bãi thải

Phế liệu nhựa tập kết tại một nhà dân ở làng nghề Minh Khai (huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Phế liệu nhựa tập kết tại một nhà dân ở làng nghề Minh Khai (huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Ảnh: Tuấn Nguyễn.
TP - Trong khi Chính phủ đang khẩn trương yêu cầu rà soát và xử lý hàng trăm container phế liệu nhập khẩu tồn đọng thì các doanh nghiệp nhựa lại lên tiếng, cho đây là thời điểm “trăm năm mới có một lần” và kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, giải phóng hàng tồn đọng ở cảng biển cho ngành nhựa có cơ hội tái chế.

Cơ hội cho ngành nhựa?

Văn phòng Chính phủ vừa có phiếu chuyển gửi các Bộ: Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu, xử lý kiến nghị với vấn đề nhựa phế liệu nhập khẩu (NK) của một số doanh nghiệp (DN) thuộc Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA).

Trước đó, trong văn bản gửi tới Thủ tướng và các bộ, ngành trên, đại diện cho một số công ty thuộc VPA, ông Hoàng Đức Vượng - Tổng giám đốc công ty CP Vĩnh Thành đã nêu kiến nghị và thực trạng .

Theo ông Vượng, ngành nhựa là một trong những ngành năng động và tăng trưởng cao nhất Việt Nam. 10 năm qua, ngành này tăng trưởng 15-20%/năm nhưng vẫn phải NK đến 80% lượng nguyên liệu. Năm 2017, tổng lượng NPL NK vào Việt Nam khoảng 90.000 tấn, trong khi theo Tân Cảng Sài Gòn, đến 26/6/2018, lượng NPL còn tồn cảng là 4.480 container, tương đương 70.000 tấn.

Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) 477 nghìn tấn nguyên liệu nhựa, trong đó xuất đi Trung Quốc chiếm 50% tỷ trọng, tăng 99% về lượng so với năm 2016. Do đó, đại diện Vĩnh Thành cho rằng, việc Trung Quốc ngừng nhập các loại NPL sẽ buộc các DN của họ phải nhập hạt nhựa tái sinh để phục vụ sản xuất, đây là cơ hội chưa từng có cho ngành nhựa Việt Nam.

Cty Vĩnh Thành và VPA kiến nghị Bộ TN&MT cho phép các công ty có giấy phép do Sở TN&MT cấp được gia hạn thêm 6 tháng cuối năm 2018 để nhận các lô hàng đang nằm tại cảng nhằm giải phóng hàng tồn, tạo điều kiện cho họ có nguyên liệu sản xuất.

Đồng thời, thay đổi phương pháp quản lý theo hướng “dễ dàng đầu vào, siết chặt đầu ra” như Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia đang làm. Điều này có nghĩa là tạo điều kiện cho NK phế liệu hầu hết các chủng loại nhựa có thể tái chế nhưng quản lý chặt đầu ra là nước thải và khí thải của nhà máy tái chế...

Buộc chuyển phế liệu gây ô nhiễm ra khỏi Việt Nam

Chiều 14/8, một lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết đã nhận được công văn của Công ty CP Vĩnh Thành cũng như phiếu chuyển của Bộ Tài chính về vấn đề trên. Hiện, Tổng cục Hải quan đang giao các đơn vị liên quan như Vụ Pháp chế, Cục Giám sát và quản lý, kể cả Cục Điều tra chống buôn lậu nghiên cứu trả lời kiến nghị của DN.

Tuy nhiên, theo vị này, trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ GTVT và UBND các tỉnh TP HCM, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu (địa phương có cảng biển có số lượng lớn phế liệu tồn đọng) thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng này, tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ, tốt hơn việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian tới, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho biết sẽ cương quyết không thừa nhận việc chủ hàng từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ðối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ hàng, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam - Chỉ đạo của Cục Hải quan TPHCM.
MỚI - NÓNG