Bình Thuận chi gần 38.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở trong 5 năm tới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm 2022, Bình Thuận sẽ dùng 7.417 tỷ đồng để xây dựng 11.810 căn nhà, gồm 1.626 tỷ đồng xây 1.414 căn nhà ở thương mại, còn nhà ở xã hội sẽ được bố trí hơn 992 tỷ đồng vốn xây 2.075 căn, xây 376 căn nhà ở tái định cư với 316 tỷ đồng.

Ngày 27/8, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh này dự kiến dùng 37.468 tỷ đồng để phát triển nhà ở trong 5 năm. Cơ cấu vốn nhà ở thương mại khoảng 9.200 tỷ đồng, nhà ở xã hội khoảng 4.493 tỷ đồng, nhà ở tái định cư khoảng 2.327 tỷ đồng…

Trong năm 2022, tỉnh Bình Thuận sẽ dùng 7.417 tỷ đồng để xây dựng 11.810 căn nhà, gồm 1.626 tỷ đồng xây 1.414 căn nhà ở thương mại, còn nhà ở xã hội sẽ được bố trí hơn 992 tỷ đồng vốn xây 2.075 căn, xây 376 căn nhà ở tái định cư với 316 tỷ đồng.

Theo đó, Bình Thuận cần xây hơn 1,2 triệu m2 sàn để đáp ứng chỉ tiêu có hơn 30,1 triệu m2 sàn nhà ở, diện tích bình quân 24m2 sàn/người trong năm nay, diện tích tối thiểu là 8,8 m2 sàn/người.

Bình Thuận chi gần 38.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở trong 5 năm tới ảnh 1

Đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu diện tích nhà ở tối thiểu lên 10 m2 sàn/người.

Bình Thuận dự kiến bố trí 208 ha đất để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đất ở phát triển nhà ở dân tự xây dựng là 158,93 ha; đất ở phát triển nhà ở tái định cư là 11,23 ha; đất ở phát triển nhà ở xã hội 18,25 ha; còn 20,09 ha là đất ở phát triển nhà ở thương mại.

Đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu diện tích nhà ở tối thiểu lên 10 m2 sàn/người; diện tích nhà ở bình quân đạt 27 m2 sàn/người; tổng diện tích sàn nhà ở là khoảng 34.566.560 m2. Như vậy, Bình Thuận cần xây dựng thêm hơn 6,6 triệu m2 sàn từ đây cho đến 2025.

Chính quyền địa phương cũng tính toán, ngân sách nhà nước dành cho kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm sẽ khoảng 1.370 tỷ đồng. Số tiền còn lại, tỉnh sẽ huy động từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng…; nhà ở riêng lẻ tự xây của các hộ gia đình bằng nguồn vốn của các hộ gia đình; vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, Ngân hàng chính sách xã hội…

Trước đó, tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chung cư sông Cà Ty, TP.Phan Thiết. Mục tiêu đầu tư dự án chung cư sông Cà Ty nhằm phục vụ cho nhu cầu tái định cư các hộ dân thuộc diện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tại “xóm nhà chồ” ven sông Cà Ty để thực hiện dự án Kè sông Cà Ty, đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm. Ngoài ra, chung cư này còn bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án khác trên địa bàn TP.Phan Thiết để thực hiện cải tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị.

Quy mô dự án gồm 6 block chung cư, mỗi khối cao 8 tầng với tổng diện tích sàn khoảng hơn 70.000 m2 và các công trình phụ trợ khác có liên quan. Dự kiến tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng với thời gian thực hiện dự án 4 năm, trong giai đoạn 2021-2025.

Cùng với chung cư, tỉnh Bình Thuận cũng xây dựng bờ kè dài 450 m từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm cùng công viên. Cầu Văn Thánh, nối phường Phú Tài và Đức Long cũng được khởi công trong quý 3 tới để kết nối hai bờ sông Cà Ty.

MỚI - NÓNG