Bình Dương: Tỷ lệ hơn 7 bác sĩ trên một vạn dân khó đáp ứng trong bối cảnh dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
Bình Dương: Tỷ lệ hơn 7 bác sĩ trên một vạn dân khó đáp ứng trong bối cảnh dịch bệnh
TPO - Ngành y tế tỉnh Bình Dương cho biết, với khoảng trên 2.000 bác sĩ đang công tác tại cơ sở y tế công lập và ngoài công lập khó đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh thông thường và bệnh nhân COVID-19. Hiện Bình Dương đang điều trị tại cơ sở y tế cho hơn 2.300 F0 và khoảng 46.000 F0 tại nhà nên quá tải. Với số lượng hiện tại, Bình Dương đang có tỷ lệ hơn 7 bác sĩ/vạn dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết trong 5 năm qua, ngành y tế đã có nhiều biện pháp để thu hút y, bác sĩ về công tác tại địa phương. Mặc dù có rất nhiều bác sĩ nghỉ hưu, chuyển công tác, nghỉ việc, nhưng số lượng bác sĩ tăng nhanh trong những năm gần đây, từ 1.135 bác sĩ năm 2016 lên 2.008 bác sĩ năm 2021 (trung bình mỗi năm tăng thêm 175 bác sĩ).

Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, do tốc độ tăng dân số cơ học của tỉnh quá nhanh và năm 2021 dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chỉ tuyển dụng được thêm 123 bác sĩ (89 khối công lập và 34 bác sĩ khối tư nhân) nên tỷ lệ bác sĩ/vạn dân chỉ đạt 7,50/vạn dân.

Để đáp ứng nhu cầu, Bình Dương sẽ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y, bác sĩ và kiến nghị Trung ương tăng biên chế sự nghiệp ngành y tế cho tỉnh.

Bình Dương: Tỷ lệ hơn 7 bác sĩ trên một vạn dân khó đáp ứng trong bối cảnh dịch bệnh ảnh 1

Nhân lực y tế ở Bình Dương chưa đáp ứng đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân

UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu tập trung về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện và đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường trong 6 tháng đầu năm 2022.

Về chính sách, Bình Dương hỗ trợ sinh viên y, dược đào tạo theo hình thức đặt hàng quy định các mức hỗ trợ: Hỗ trợ học phí đào tạo theo quy định của cơ sở giáo dục; hỗ trợ chi phí học tập hàng tháng bằng 2,0 lần mức lương cơ sở (kể cả thời gian nghỉ hè); khen thưởng nếu kết quả xếp loại học tập hàng năm đạt được theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (loại khá được khen thưởng 1,2 lần mức lương cơ sở; loại giỏi được khen thưởng 2,4 lần mức lương cơ sở; loại xuất sắc được khen thưởng 3,6 lần mức lương cơ sở).

Sinh viên khi ra trường có bằng tốt nghiệp được xếp từ loại giỏi trở lên thì được xem xét ưu tiên chọn đơn vị công tác thuộc các cơ sở y tế công lập của tỉnh. Các kết quả còn lại theo phân công của tỉnh.

Sinh viên được hưởng chế độ hỗ trợ phải cam kết khi tốt nghiệp trở về phục vụ tại các cơ sở y tế công lập trong tỉnh theo sự phân công với thời gian công tác bằng 2 lần thời gian được hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo.

Trước đó, vào thời điểm đầu tháng 8, dịch bệnh ở Bình Dương bùng phát mạnh. Lúc bấy giờ, tỷ lệ 1 bác sĩ/1.000 bệnh nhân COVID-19. Do vượt quá khả năng về nhân lực nên Bình Dương đã gửi công văn kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế chi viện. Sau đó, có trên 5.000 y, bác sĩ được phân bổ đến hỗ trợ Bình Dương. Đến khoảng cuối tháng 10, nhân lực chi viện lần lượt quay trở về buộc Bình Dương phải sử dụng nguồn lực tại chỗ.

“Hiện nay, với khoảng 2.000 bác sĩ nhưng vừa khám chữa bệnh thông thường vừa theo dõi điều trị bệnh nhân COVID-19. F0 điều trị tại nhà với số lượng lớn nên khó đáp ứng nhu cầu với lực lượng y tế khiêm tốn, chưa tương xứng với tỷ lệ bệnh nhân”, TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương thông tin.

Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 286.078 ca mắc COVID-19, 302.752 bệnh nhân khỏi bệnh và 2.854 bệnh nhân tử vong. Mỗi ngày qua, Bình Dương ghi nhận từ 400 đến 500 ca mắc COVID-19.

MỚI - NÓNG