Ngày 18/7, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh này vừa ký văn bản chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Động thái này được thực hiện khi các điểm chợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương phải tạm ngưng, đồng thời tránh tăng giá và người dân khó trong tiếp cận lương thực.
Theo kế hoạch, Bình Dương sẽ cung cấp hàng hóa bằng xe lưu động. Cụ thể, các siêu thị bố trí xe chuyên chở hàng lưu động, đảm bảo nguồn hàng, tổ chức thu tiền theo đúng bảng giá quy định cho người dân.
Ngoài việc bố trí xe bán hàng lưu động phục vụ người dân, Bình Dương tổ chức nhiều điểm bán hàng 0 đồng |
Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ bố trí mỗi xe bán hàng có ít nhất 2 thanh niên tình nguyện, 2 phụ nữ tình nguyện thực hiện quy tắc 5K để phục vụ người dân chu đáo. Thời gian bán hàng từ 7h đến 10h mỗi ngày.
Ngoài xe hàng lưu động, tổ chức bán hàng bằng đường bưu cục, bưu điện xã, phường, thị trấn. Cung cấp số điện thoại để người dân liên hệ, tạo kênh đặt hàng sau đó vận chuyển hàng đến tận tay người dân. Bố trí người bán hàng tại các điểm nhưng phải tuân thủ nghiêm phòng, chống dịch.
Các trung tâm y tế trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương tổ chức xét nghiệm cho người điều khiển phương tiện giao hàng, người phục vụ hàng hóa cho người dân. Sở Giao thông vận tải ưu tiên cho xe chở hàng lưu động và các xe vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán kể cả khu vực đang phong tỏa, cách ly. Tiến hành phun khử khuẩn phương tiện, hàng hóa.
Hội Chữ thập Đỏ và Tỉnh đoàn Bình Dương liên tục tổ chức phiên chợ 0 đồng phục vụ người dân |
Hàng hóa từ các tỉnh chuyển đến Bình Dương sẽ được phân bổ đến khu vực phong tỏa |
Đối với các chợ truyền thống không bị phong tỏa thì được triển khai hoạt động kinh doanh nhưng phải đảm bảo khu vực được khử khuẩn 3 ngày; tiểu thương bán hàng có xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày; có giăng dây để đảm bảo khoảng cách giữa người bán và người mua tối thiểu là 2m; bán giá đăng công khai, bán đúng giá.
Cũng theo UBND tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa đủ số lượng, chất lượng theo yêu cầu. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ thường xuyên trong các kho của siêu thị luôn đảm bảo khoảng 685,5 tỷ đồng của 11 siêu thị tham gia, không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh và khẩu trang, thiết bị y tế phòng, chống dịch.
Các điểm bán hàng được bố trí tình nguyện viên hỗ trợ người dân |
Về nguồn cung thịt gia súc, gia cầm, trứng, dự kiến số lượng gia súc, gia cầm sẽ cung ứng ra thị trường tại địa phương: Thịt trâu, bò 2.250 tấn/tháng; thịt heo 7.500 tấn/tháng; thịt gia cầm 3.750 tấn/tháng; trứng gia cầm 40.000.000 quả/tháng. Bình ổn thị trường rau, củ, quả các loại từ việc kết nối cung cầu với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.