Có vị túc nho ngang qua phán: Mất ngựa đâu hẳn là rủi? Chủ nhà bán tín bán nghi. Sau mấy tháng đột nhiên ngựa nhà ông trở về dẫn theo một con ngựa con. Mới hay, ngựa cái nhà ông đến mùa động dục theo “giai” và khi về mang theo kết quả ấy... Cả nhà ông già biên ải ấy mừng khôn xiết, không bị mất mà còn được thêm nên mở tiệc ăn mừng.
Vị túc nho ấy quay lại phán: Thêm ngựa chưa hẳn đã là may! Chủ nhà băn khoăn lắm. Thời gian sau con trai ông tập tành cưỡi ngựa té ngã gãy luôn chân. Gia đình ông già cửa ải buồn thiu...Vị túc nho lại xuất hiện và phán: gãy chân chưa hẳn đã là họa. Chủ nhà khấp khởi chờ...
- Rồi sao?
- Đừng sốt ruột! Sau đó vùng biên ải vào cuộc binh đao. Bao trai tráng lên đường và da ngựa bọc thây. May thay, con trai ông già cửa ải vì gãy chân nên không phải xung lính và đương nhiên không tử trận...
- Hay! Rất ý nghĩa! Hèn chi trong đạo Phật có câu: Đừng thấy họa mà lo, đừng thấy phúc mà mừng, họa đó phú đó nhỉ?
- Chính xác và nhãn tiền luôn!
- Nhãn tiền sao?
- Nghe chuyện này nhé! Có mấy chục hộ nghèo ở thành phố, vì nghèo nên buộc phải lùi vào trong. Ấy nghĩa là không được ra mặt tiền. Mặt tiền thường dành cho nhà nhiều tiền để công trình của họ góp phần làm đẹp phố phường. Hộ nghèo an phận. Bỗng nhiên ông thành phố muốn mở rộng đường, thế là các nhà mặt tiền gặp họa, bị đập bỏ di dời, nhiêu khê vô cùng. Đúng là trời cho!
Các hộ nghèo được ló ra mặt tiền. Nhà mấy trăm triệu bỗng thành tiền tỷ. Ôi hoan hỷ! Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Đường mở rộng cao hơn cốt nhà gần 2 mét và nhà họ thành hang...Ở không được, bán không ai mua giờ họ kêu trời không thấu...
- Nếu theo triết lý họa phúc mà cậu vừa nêu, hy vọng tới đây người ta quy hoạch những ngôi nhà ấy thành khu địa đạo phục vụ du lịch nhỉ. Lúc đó biết đâu họ thu bộn tiền!.