“Ngọt hóa” nước biển
Đảo Song Tử Tây là nơi đầu tiên lắp đặt hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt ở Trường Sa. Công trình vừa đưa vào hoạt động tháng 4/2015 do Trung tâm nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp ĐH Bách khoa TPHCM tư vấn và thiết kế. Nguyễn Bé Vụ (SN 1991) được giao nhiệm vụ vận hành và chuyển giao công nghệ cho đảo. Theo Vụ, nước mặn sau khi bơm vào bể sẽ có bộ phận tăng áp, đưa áp suất lên cao. Nước ngọt qua quá trình thẩm thấu sẽ được giữ lại, nước mặn sẽ chảy ngược ra biển. “Cứ 1.000 lít nước biển lọc được 250 lít nước ngọt. Nước ngọt đảm bảo sử dụng được ngay như nước lọc bình thường”, Bé Vụ vừa nói vừa xoay vòi, vặn nước mời khách. Quả thật, vị nước không còn vị mặn của biển, hoàn toàn giống với nước ngọt trên đất liền. Chàng trai trẻ người Kiên Giang tự tin: “Chừng nào biển Đông hết nước thì mới hết nước ngọt”.
Theo Bé Vụ, trung bình một ngày, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt trên đảo Song Tử Tây có thể lọc được 18.000 lít nước ngọt, đảm bảo cung cấp cho nhu cầu trên đảo trong ngày. Lượng nước lọc xong được chuyển đến các bể chứa. Từ đây, nước có thể sử dụng cho các mục đích sinh hoạt bình thường hằng ngày.
Một ưu thế của máy lọc nước biển trên đảo Song Tử Tây là sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời và điện gió – thứ có sẵn trên đảo. Máy cũng có hệ thống lưu trữ điện năng để duy trì hoạt động ngay cả khi đảo không có nắng, gió trong 2 ngày liên tục. “Hệ thống này vận hành 4 máy liên tục. Mỗi khối nước cần 4,5 – 5kWh”, Vụ nói. Vụ chia sẻ, sẽ chuyển giao công nghệ cho đảo dịp cuối tháng 6/2015 để chuẩn bị cho những kế hoạch trong tương lai, đi tới các điểm đảo khác ở Trường Sa và nhà giàn DK.
Nguyễn Bé Vụ lấy mẫu nước lọc từ nước biển trên đảo Song Tử Tây.
Thêm sức sống cho đảo
Song song với công nghệ lọc nước mà Bé Vụ đang chuyển giao tại Song Tử Tây, đi theo Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015, đại diện nhóm các nhà khoa học trẻ của Liên hiệp các tổ chức Khoa học Hà Nội và Tổng Cty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) trao tặng công trình máy lọc nước biển thành nước ngọt chạy bằng năng lượng mặt trời với công suất 50 lít/giờ cho đảo Trường Sa Đông.
Anh Trần Vũ Thành, cán bộ tạp chí Trí thức & phát triển, đại diện cho nhóm chia sẻ, sau khi tham gia Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2014, bản thân anh thấy các đảo vẫn còn thiếu nước ngọt, các chiến sỹ, người dân trên đảo gặp nhiều khó khăn. “Mình đã đi qua hơn 10 điểm đảo để khảo sát và nghĩ rằng, nếu có máy lọc nước biển thành nước ngọt trên đảo sẽ rất tốt. Được sự đồng ý của T.Ư Đoàn và Quân chủng Hải quân, từ tháng 8/2014, nhiều nhà khoa học, giáo sư, trí thức trẻ đã bắt tay vào nghiên cứu máy lọc nước biển thành nước ngọt để mang ra Trường Sa”, anh Thành nói.
Theo anh Thành, trên thế giới có nhiều công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt, nhưng phải lựa chọn để vừa hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường biển đảo, công nghệ hoạt động đơn giản, đồng bộ, tuổi thọ phải cao. “Máy này có đồ dự phòng trong thời gian 6 tháng. 1 năm chỉ phải ra 1 lần để sửa chữa, bảo dưỡng”, anh Thành chia sẻ. Theo anh, hoạt động của máy lọc nước biển này cũng là quy trình thẩm thấu ngược. “Sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió, nước biển sẽ được bơm vào bể chứa. Sau đó, nước biển được lọc 3 lần: thô – tinh – lọc RO. Những cặn bẩn, cát, tạp chất sẽ được giữ lại. Nước thành phẩm đáp ứng đầy đủ 34 tiêu chí của Bộ Y tế và sử dụng được ngay”, anh Thành phân tích thêm.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn và Chuẩn đô đốc, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân Phạm Văn Sơn, lãnh đạo đoàn Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015 đã trao tặng máy lọc nước cho đảo Trường Sa Đông ngay dưới cột mốc chủ quyền với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ đồng. Theo giới thiệu, máy có công suất 600 lít/ngày. Trong hoạt động thử nghiệm, cứ 4 lít nước mặn lọc được 1 lít nước ngọt, tuy nhiên, có thể thay đổi tùy theo độ mặn của nước biển. Máy cũng có bộ lưu trữ điện, dùng trong trường hợp không có nắng, gió. Dự kiến, chỉ mất 15 ngày lắp đặt, máy sẽ được đưa vào sử dụng để phục vụ cán bộ, chiến sỹ trên đảo.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, đây là kết quả rất đáng trân trọng sau Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2014. “Nước ngọt rất quý ở Trường Sa. Giải quyết được nhu cầu nước ngọt sẽ giải quyết các vấn đề khác về huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ ngư dân... Trên cơ sở thí điểm trên đảo Trường Sa Đông, chúng tôi sẽ báo cáo lại Ban Bí thư T.Ư Đoàn, rút kinh nghiệm, nếu tốt, sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai, nhân rộng mô hình, không chỉ ở quần đảo Trường Sa mà còn ở các nơi khác”, anh Tuấn nói.
Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015 đã đến thăm, tặng quà các điểm đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/7. Trong hành trình, Đoàn cũng làm lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trên vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.
Tổng số quà tặng của hành trình trị giá gần 3 tỷ đồng gồm các vật phẩm thiết thực như quạt tích điện, tủ bảo ôn, máy vi tính, máy in, đầu karaoke, thuốc y tế, đồ dùng học sinh, dụng cụ thể dục thể thao, máy lọc nước, sân chơi trẻ em, đặc sản của các vùng miền…