Trong bối cảnh đó, các địa phương trong vùng đã triển khai các kế hoạch trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư hạ tầng để phòng ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu, khô hạn và xâm mặn. Các tổ chức phát triển quốc tế cũng cho rằng các địa phương trong vùng và các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong cần hợp tác để hành động; cần nhiều nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu kết thúc phiên họp toàn thể thứ nhất này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ bày tỏ đánh giá cao và cảm ơn Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế đã tổ chức diễn đàn này khi nhận thức về sự biến đổi của tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có tầm quan trọng đặc biệt.
“Chính phủ mong muốn diễn đàn tập trung bàn thảo về những thách thức, cơ hội, các giải pháp đầu tư, thích ứng với tự nhiên để chia sẻ với nhau về kiến thức, kinh nghiệm, hành động, công nghệ và tài chính. Chúng tôi mong muốn các đối tác phát triển, nhất là Ngân hàng Thế giới sớm có kiến nghị tới Chính phủ để khởi động ngay các giải pháp thích ứng vì yêu cầu của cuộc sống đã thúc bách rồi”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh các giải pháp đặt ra phải bám sát thực tiễn và từ sinh kế đa dạng, sáng tạo của người dân và cộng đồng. “Nếu không dựa vào cộng đồng, doanh nghiệp và người dân thì các giải pháp đặt ra cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của đời sống”, ông Vương Đình Huệ cho biết.
Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng cho rằng “trong cái khó sẽ ló cái khôn” và những khó khăn về tự nhiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của Việt Nam nói chung cũng là dịp để Việt Nam quy hoạch, bố trí lại dân cư, tái cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và nền sản xuất nông nghiệp nói riêng, thay đổi công nghệ, tổ chức sản xuất theo kiểu mới để hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ đầu phiên họp là sẽ phát huy nội lực, xây dựng chiến lược và các giải pháp quyết liệt để thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đề nghị các quốc gia, đối tác phát triển chia sẻ, giúp đỡ về công nghệ, kinh nghiệm và tài chính để Việt Nam vượt qua thách thức này vì sự phát triển bền vững của khu vực và thế giới.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các tổ chức phát triển quốc tế có tiếng nói và xử lý hài hòa việc quản lý và sử dụng nguồn nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông, đồng thời đưa ra các giải pháp kiểm soát tổng thể nguồn nước cho các từng địa phương và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như các vùng khác.
Tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng khai mạc diễn đàn này, nhấn mạnh tới một vùng sinh thái, sản xuất nông nghiệp lớn của khu vực và thế giới đã bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; đặt ra vấn đề liên kết, hỗ trợ nhau (của mỗi địa phương và các quốc gia, tổ chức quốc tế) trong xử lý các vấn đề về thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển sinh kế cho người dân.
Các Bộ trưởng của Việt Nam, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tổ chức phát triển quốc tế cũng nêu lên lo ngại về những biến đổi nhanh chóng của tự nhiên ở vùng đất này, trở thành những rào cản lớn cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân trong bối cảnh nền tảng hạ tầng kinh tế, kỹ thuật yếu kém.