Biển của ta, đảo của ta: Tiếng hát nơi đảo xa

TP - Giữa sóng gió biển khơi, những người lính Trường Sa dù gian khó vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Gặp những người trẻ từ đất liền, họ như bắt được “sóng”, hòa nhịp “cháy” hết mình ca hát. Dưới tán cây bàng vuông, cây mù u, nghe những lời ca của các chiến sỹ mới thật sự thấm thía câu “chỉ lính đảo xa mới hát với đàn ghi ta một dây”...

Háo hức vươn khơi

Những ngày tháng 5 nắng như đổ lửa, con tàu KN 390 chở 200 đại biểu “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” rẽ sóng vượt trùng dương ra thăm Trường Sa, đánh dấu chặng đường 15 năm tuổi trẻ cả nước vinh dự được đi thăm đất Mẹ nơi tiền tiêu.

Biển của ta, đảo của ta: Tiếng hát nơi đảo xa ảnh 1

Ca sỹ Phương Thanh hòa tiếng hát cùng với các chiến sỹ Trường Sa.

Con tàu xuất phát cũng là lúc chúng tôi nhận được thông báo từ đài khí tượng thủy văn. “Trong vòng 12h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 5 - 10 km/giờ, cách đảo Song Tử Tây khoảng 100 km về phía Đông Đông Bắc với cường độ gió mạnh cấp 6, giật cấp 8”. Cùng thời điểm này, trên cabin của con tàu KN390 hiện lên hải trình tiến thẳng về Song Tử Tây.

Nhưng nỗi băn khoăn trong mường tượng về những cơn sóng cao 3-5m sớm bị át đi. Ngay từ lúc con tàu khuất dần những cánh tay vẫy chào từ đất liền, các thành viên đã chia thành những trung đội để luyện tập văn nghệ, bởi ai cũng hiểu rằng giây phút được “cháy” cùng các chiến sỹ Trường Sa hiếm hoi cỡ nào. Ca sỹ Hà Myo - một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022 chia sẻ, đây là lần thứ 3 chị đến với Trường Sa, nhưng mỗi chuyến đi là một trải nghiệm. Nếu có say sóng cũng đều cố gượng dậy và không được cho phép bản thân yếu đuối quá…1h đồng hồ.

Ra khơi, con tàu trở nên nhỏ bé giữa biển cả mênh mông. Những thanh niên lần đầu ra biển lớn cùng chung cảm xúc mới lạ, háo hức về cuộc sống nơi đầu sóng, ngọn gió.

Những món quà mà thanh niên cả nước dành tặng các chiến sỹ Trường Sa cũng được gói ghém cẩn trọng. Đó là đặc sản từ các vùng quê, bánh tráng Tây Ninh, hạt điều Bình Phước, hoa quả Đà Lạt, mỳ chũ Bắc Giang…, hay những chiếc đàn ghi ta, công trình thanh niên “Trường Sa xanh”...Hơn hết, đó còn là tình cảm chứa đựng trong những điệu nhảy, bài hát đang được ấp ủ luyện tập trên boong tàu.

Những “dũng sĩ nghìn việc tốt” ở các trường tiểu học biết tin về chuyến đi của Trung ương Đoàn còn dành dụm tiền thưởng để mua quà gửi tặng các bạn học sinh Trường Sa. Những chiếc khăn quàng đỏ, sách bút, bộ tập tô.. của các em học sinh Kiên Giang được xếp tỉ mẩn với hi vọng các bạn ở Trường Sa có đầy đủ dụng cụ học tập…như ở đất liền.

Lính đảo hát

Điều đặc biệt của đoàn “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm nay là có sự góp mặt của nhiều giọng ca nổi tiếng như ca sĩ Phương Thanh, Quốc Đại, Đại Hòa, Thanh Thảo, Quỳnh Hoa và các nghệ sỹ như Nguyệt Hằng, Quốc Rối, Thu Quỳnh,…Vì thế không khí mang đến Trường Sa cũng thật khác biệt.

Biển của ta, đảo của ta: Tiếng hát nơi đảo xa ảnh 2

Các chiến sỹ đảo Song Tử Tây thể hiện tài năng.

Ca sỹ Phương Thanh chia sẻ, đã 6 lần ra Trường Sa, nhưng lần nào cũng đầy cảm xúc và ấn tượng tươi mới. Với chị, đến với Trường Sa như “duyên nợ” bởi xuất phát từ lần đầu đến Vùng 4 Hải quân hát tiễn các bạn lính trẻ lên tàu ra đảo làm nhiệm vụ. “Lúc đó các chiến sỹ nói với tôi: Cô đưa tụi con đi, cô nhớ ra hát đón tụi con về nghe. Câu nói đó càng thôi thúc tôi đăng ký ra Trường Sa, mang tiếng hát đến những người lính”, ca sỹ Phương Thanh bộc bạch.

Lính đảo quanh năm đối diện với nắng táp, gió thổi thông thốc… nên khuôn mặt ai cũng sạm đen, rắn rỏi. Ấy vậy mà, khi phím đàn tí tách, nhạc nổi lên, có tiếng hát ai đó cất lời, các chiến sỹ bỗng trở nên khác lạ.

Sân khấu ở Trường Sa thật đặc biệt. Đó có thể chỉ ở một góc sân, dưới tán cây bàng vuông, cây mù u rợp bóng mát tại những đảo nổi, hoặc chỉ là một ban công nhỏ, hướng nhìn ra biển ở các đảo chìm. Nhưng khi tiếng nhạc, tiếng hát cất lên, tất cả đều chung một nhịp... Những lời hát âm vang phả vào trong không gian như những tiếng vỏ ốc vang vọng ngoài biển khơi, nối đất liền với đảo.

Binh nhất Nguyễn Bá Hùng (đảo Đá Thị) nhập ngũ hơn 6 tháng, vẫn còn sự e dè và nỗi nhớ nhà. Khi tiếng nhạc của đoàn nghệ sỹ vang lên, cảm xúc của chàng lính trẻ như vỡ òa. Hùng “rưng rưng nước mắt”….gọi tên “Mẹ ơi” như giải tỏa nỗi niềm.

Có chiến sỹ đang trực ở đảo Đá Tây B, khi có đồng đội đến thay ca bỗng vội chạy thông thốc qua đường cầu để kịp về giao lưu với đoàn công tác. Bởi anh hiểu rằng, khoảnh khắc này chỉ diễn ra rất ngắn ngủi.

Trong các điểm đảo mà đoàn “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo” đi qua, đến đâu các nghệ sỹ và đoàn thanh niên đều mang đến giai điệu nhảy “Trường Sa xanh” sôi động. Có chiến sỹ ban đầu còn ngại ngùng, nhưng khi nhạc vào bỗng “quẩy” nhiệt tình. Có chiến sỹ nhảy cả rap và xin làm luôn liên khúc mấy bài.

Trung úy Lê Mạnh Nam, đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Lính Trường Sa tụi em không phải khô cứng như chiến hào, lạnh lùng như cây súng. Ở đảo không internet, không trò chơi nên những lúc giải lao, anh em chỉ biết đàn hát. Có những hôm đi dọc bờ quanh đảo ngắm nhìn rặng san hô, cát đá rồi hát, có hôm ngồi dưới gốc bàng”, Nam nói rồi hóm hỉnh “nhưng phải có những nghệ sỹ trẻ như thế này, anh em mới nhiệt được”.

Tiếng hát trên nhà giàn DK1/2 Phúc Tần có lẽ cảm động nhất. Nằm chơ vơ giữa đại dương mênh mông, quanh năm bốn bề chỉ sóng nước, nhưng khi tiếng hát của một chiến sỹ cất lên, cả đoàn ai cũng bồi hồi.

“Và sao không là gió là mây để thấy trời bao la. Và sao không là phù sa dâng mỡ màu cho hoa” (Khát vọng), rồi “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa. Ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua” (Nơi đảo xa)...

Trung úy Nguyễn Tấn Hoàng, nhà giàn DK Phúc Tần tâm sự: “Bình thường, chúng em hát chỉ giải khuây. Trong không khí hòa với mọi người, hát những lời này em thấy lòng rạo rực, cảm thấy yêu quê hương hơn. Đây là khoảnh khắc quý giá, là động lực để chúng em tiếp tục cống hiến”, Hoàng nói.

Điều đặc biệt, ở bất cứ góc nào ở Trường Sa, từ các chiến sỹ đến các em nhỏ đều thuộc làu bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”. Giai điệu “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta…Trường Sa ơi” được hòa vang từ đảo Song Tử Tây, Đá Thị, đến Sinh Tồn Đông, hay Đá Tây B…như tuyên ngôn của người lính hải quân với đất trời, biển cả.

Giữa đêm khuya, mưa rơi phảng phất, những chiến sỹ Trường Sa vẫn chạy ra xếp 1 hàng ngay ngắn vỗ tay cất tiếng hát “Biển này là của ta, đảo này là của ta…” chia tay đoàn tàu. Thời khắc đó, tiếng hát như át cả tiếng sóng, tiếng gió đang cuồn cuộn của biển cả. (Còn nữa)

"Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - Petrovietnam là một trong những doanh nghiệp nhà nước, với nhiệm vụ quản lý và triển khai các hoạt động dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài. Qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, Petrovietnam đã trở thành Tập đoàn kinh tế nhà nước, đóng vai trò chủ lực, trụ cột của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Đội ngũ gần 60.000 thành viên của Petrovietnam với năng lực chuyên môn cao cùng tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp và khả năng sáng tạo không ngừng, đã xây dựng cho đất nước một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ chuỗi khép kín các hoạt động từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác tới tồn trữ, vận chuyển và chế biến với 5 lĩnh vực: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; Công nghiệp khí; Chế biến dầu khí; Công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí chất lượng cao"

Tiếp nối hiệu quả của các năm trước đây, thông qua Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2023, chương trình “Trường Sa xanh” do Trung ương Đoàn phát động đã nhận được sự ủng hộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long (KienlongBank), Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina E&C, Công ty Cổ phần Tập đoàn DKNEC.

Tin liên quan