Vụ mới nhất là công ty Lidingo Holdings của diễn viên Kamilla Bjorlin. Theo tài liệu của toà án, công ty của Bjorlin đã bí mật trả tiền cho một người viết hàng trăm bài báo với nhiều bút danh khác nhau, trong đó có bút danh giống như một nhà kinh doanh Thụy Sỹ và người này giả vờ có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh.
Những bài viết này được đăng lên Twitter và Facebook nhằm tăng giá cổ phiếu của các công ty cụ thể.Theo điều tra của Ủy ban Chứng khoán Mỹ, một người viết thuê cho công ty của Bjorlin đã giả mạo hồ sơ và khoe rằng cô đang làm việc cho một tập đoàn lớn và có thể đánh giá quản lý rủi ro, sức khoẻ tài chính của các công ty khác nhau. Thực tế, người đó không tồn tại.
Theo Ủy ban Chứng khoán Mỹ, Lidingo Holdings đã đẩy giá cổ phiếu Galena Biopharma lên 25%. Đây là một công ty dược phẩm nhỏ, nhưng sau khi hàng chục bài báo nói tốt về công ty được đăng trên các trang mạng, giá cổ phiếu tăng vùn vụt.Theo tài liệu của toà án, Galena Biopharma, một trong những khách hàng của Lidingo, đã trả cho công ty của Bjorlin 20.000 USD/ tháng cộng với các chi phí khác.
Các công ty chứng khoán lớn ở Mỹ đang hướng tới việc sử dụng phân tích dữ liệu điện toán bằng máy. Tuy nhiên, những công ty nhỏ và những nhà đầu tư chứng khoán nhỏ lẻ vẫn là nạn nhân của tin tức giả mạo khi đa phần tin tức họ đều cập nhật qua mạng xã hội.
Theo Ủy ban Chứng khoán Mỹ, công ty DreamTeam có trụ sở tại bang Florida đã tận dụng mạng lưới xã hội trực tuyến rộng lớn của mình phục vụ các khách hàng tiềm năng và được trả 25.000 USD trong 90 ngày nhờ vào quan hệ truyền thông xã hội.Michael McCarthy, người khởi nghiệp với DreamTeam, đã kiếm được hơn 100.000 USD/năm nhờ chiêu thức này.
Ngay từ năm 2015, Ủy ban Chứng khoán Mỹ đã đưa ra những cáo buộc gian lận đối với một thương nhân người Scotland. Người này đã đưa những bản tin lên Twitter làm giảm mạnh giá cổ phiếu của hai công ty để có thể kiếm lời từ việc thay đổi. Một công ty có giá cổ phiếu giảm 28% sau khi có bài viết đăng lên Twitter, trong khi giá cổ phiếu của một công ty khác giảm 16%.
Theo các tài liệu của toà án, các bài viết giả mạo trên Twitter đã gây thiệt hại cho các cổ đông hơn 1,6 triệu USD.Theo Albert Dandridge, một đối tác của Schnader Harrison Segal & Lewis, đây là chiêu trò thời hiện đại với việc quảng bá cổ phiếu, sau đó bán nhanh chóng để ăn chênh lệch giá.
Dự kiến, Bjorlin bị đưa ra xét xử dân sự trong tháng này và có thể phải đối mặt hàng triệu đô la tiền phạt nếu bị kết tội. Vụ việc của Bjorlin đang gây ồn ào trong giới tài chính và đã trở thành lời nhắc nhở rằng, những cáo buộc về tin tức giả mạo không chỉ giới hạn trong giới chính trị mà lan sang giới tài chính.Người ta bắt đầu lo ngại xu hướng tin tức giả mạo đang lan rộng và nhanh chóng trên mạng xã hội.
Ủy ban Chứng khoán Mỹ mới đây đưa ra khiếu nại đối với hơn chục công ty và người dân, trong đó có Bjorlin, cáo buộc rằng họ giả vờ phân tích độc lập, mạo danh các trang web tài chính như Seeking Alpha, Forbes, Motley Fool và Benzinga để đánh lừa nhà đầu tư cá nhân.Melissa Hodgman, Phó giám đốc bộ phận thực thi của Ủy ban Chứng khoán Mỹ, cho biết có rất nhiều cách để mọi người có thể tiếp cận nhà đầu tư, do đó hãy luôn cảnh giác và tự kiểm chứng thông tin. Theo giới chuyên gia, ngay cả khi tin tức giả mạo “chết” ngay trong ngày, họ vẫn kiếm được lợi nhuận.
Ajay Patel, giáo sư tài chính của Đại học Kinh doanh Wake Forest,cho biết, bây giờ, thay vì gọi điện cho 1.500 người để cố gắng đẩy giá một loại cổ phiếu, người ta chỉ cần thuê một người viết cùng một câu chuyện bằng cách sử dụng 10 bút danh khác nhau.Chúng sẽ được phổ biến rộng rãi hơn bao giờ hết vì ngày nay nhiều người dựa vào tin tức trên Internet.