Với mục tiêu xây dựng tuyến đường nối hai tỉnh Hà Nam - Thái Bình và kết nối 2 tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng năm 2014 Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư cầu Thái Hà vượt sông Hồng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng và được thực hiện theo hình thức BOT. |
Sau hơn 3 năm thi công, tháng 4/2018 dự án đã hoàn thành, thông xe đưa vào sử dụng. Cầu có 4 làn xe, 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp. |
Ngoài cầu vượt sông Hồng, dự án có thi công hơn 5 km đường nối hai đầu cầu. |
Để thu phí hoàn vốn với thời gian được tính toán là 19 năm 3 tháng, liên danh nhà đầu tư dự án là Cty TNHH Tiến Đại Phát - Cty CP tư vấn và xây dựng Phú Xuân - Cty CP đầu tư XNK Bình Minh. Doanh nghiệp (DN) được liên danh lập nên để thực hiện dự án là Cty CP BOT cầu Thái Hà, trạm thu phí dự án được lập phía đầu cầu trên địa phận tỉnh Thái Bình để thu phí hoàn vốn. |
Tuy nhiên kể từ ngày dự án được thu phí chính thức tháng 2/2019 đến nay, lượng xe qua trạm BOT cầu Thái Hà chỉ lác đác, doanh thu từ thu phí trong các năm đều không đạt kế hoạch. |
Cụ thể, theo phương án tài chính, từ khi dự án bắt đầu thu phí đến hết năm 2021 dự án phải đạt doanh số tiền hơn 567 tỷ đồng, tuy nhiên trao đổi với PV Tiền phong, đại diện Cty CP BOT cầu Thái Hà (đại diện nhà đầu tư) cho biết, con số này chỉ đạt khoảng 80 tỷ, bằng 12% phương án tài chính. |
Tìm hiểu nguyên nhân chính dẫn đến lưu lượng xe qua cầu Thái Hà ít, dẫn đến phương án tài chính tại dự án bị vỡ, PV Tiền Phong ghi nhận: Sau khi dự án cầu Thái Hà được xây dựng, cách đó khoảng 3 km về phía thượng lưu sông Hồng, Bộ GTVT tiếp tục phê duyệt dự án xây dựng cầu Hưng Hà bắc qua sông Hồng bằng vốn vay ODA. Ngoài 2 cầu quá sát nhau, cầu Hưng Hà còn không thu phí, dẫn đến xe tập trung đi cầu ODA bỏ cầu BOT. |
Ngoài ra, mức phí qua cầu Thái Hà được lái xe và đại diện các doanh nghiệp vận tải phản ánh là quá cao, trong đó xe thu thấp nhất là loại 1 (xe dưới 12 chỗ) thu 34.000 đồng/lượt; xe thu cao nhất loại 5 (xe container) thu 180.000 đồng/lượt (cao nhất trong các cầu vượt sông Hồng), dẫn đến quá mức chịu đựng của người dân, DN vận tải. Hiện mức phí này đã được nhà đầu tư dự án giảm khoảng 50% cho xe tải và xe container. |
Tuy nhiên cả khi giảm giá, lượng xe qua trạm và doanh thu phí vẫn chưa đạt phương án tài chính. |
Trước việc doanh thu dự án chỉ đạt 12% so với kế hoạch, trong khi các khoản nợ ngân hàng, trả lãi vay, chi phí vận hành, bảo trì dự án, trạm thu phí vẫn phải duy trì thường xuyên nên nhà đầu tư đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ "mua" lại dự án, giúp nhà đầu tư tránh việc phá sản. |
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện cả nước có 7 dự án BOT đang gặp vướng mắc, khó khăn về doanh thu và vị trí đặt trạm thu phí. Hiện đã có 4 dự án đã được Bộ GTVT đề xuất Chính phủ mua lại, với dự án BOT cầu Thái Hà, là 1 trong 3 dự án còn lại Bộ GTVT đang yêu cầu rà soát, kiểm tra và đánh giá lại xem đề nghị nhà nước mua lại trạm thu phí BOT của nhà đầu tư có hợp lý, hoặc Bộ GTVT sẽ tìm phương án khác.