Trong một bài viết trên Twitter ngày 27/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố, Facebook luôn chống đối ông.
Thậm chí, chủ nhân Nhà Trắng còn đặt nghi vấn, nền tảng mạng xã hội nổi tiếng này còn thông đồng với các trang mạng truyền thông nổi tiếng khác để gây ảnh hưởng xấu đến ông.
Phát ngôn của ông Trump được đưa ra sau khi Facebook báo cáo, một cơ quan Nga đã mua một số quảng cáo trên trang mạng xã hội nổi tiếng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Phía công ty cũng khẳng định, đang “tích cực hợp tác với chính phủ Mỹ trong các cuộc điều tra về cáo buộc can thiệp bầu cử của Nga”.
Hồi đầu tháng 9, Facebook đã phát hiện khoảng 3.000 quảng cáo được mua từ tháng 6/2015 đến tháng 5/2017, kết nối với 470 tài khoản và trang “không xác định”, có thể liên quan đến sự can thiệp của Nga.
Tuy nhiên, công ty hàng đầu thế giới này không trực tiếp cáo buộc Moscow và thừa nhận, “phần lớn các quảng cáo do các tài khoản trên kiểm soát” không liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ, việc bỏ phiếu hay bất cứ ứng viên cụ thể nào.
Trước lời chỉ trích của lãnh đạo nước Mỹ, Nhà đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg ngay sau đó lên tiếng phủ nhận.
“Ông Trump nói Facebook chống lại ông ấy. Những người phe tự do lại nói chúng tôi giúp Trump. Cả hai bên đều không hài lòng với những ý tưởng và nội dung mà họ không thích. Việc vận hành một nền tảng dành cho tất cả mọi ý tưởng là như vậy đó”, Zuckerberg viết trên Facebook.
Theo Zuckerberg, những suy nghĩ theo hướng các thông tin sai lạc trên Facebook đã thay đổi kết quả bầu cử là “điên rồ” và “vô lý”.
Ông lưu ý thêm, chiến dịch tranh cử 2016 là lần đầu tiên Mỹ tận dụng Internet để biến nó thành cách tiếp cận chính của các ứng cử viên đến cử tri.
Ở một diễn biến các liên quan đến các cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, Facebook, Google và Twitter đã nhận được yêu cầu làm chứng trước quốc hội Mỹ trong thời gian tới.
Theo đó, một trợ lý Thượng viện tiết lộ trên Reuters, giám đốc điều hành của ba công ty trên đã được Ủy ban Tình báo Thượng viện yêu cầu xuất hiện trong buổi điều trần công khai vào ngày 1/11.
Ngoài ra, phía Ủy ban Tình báo Thượng viện cũng dự kiến mở phiên điều trần vào tháng tới với sự có mặt của đại diện các công ty công nghệ giấu tên, để tìm hiểu rõ hơn cách Nga sử dụng các công cụ và nền tảng trực tuyến nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm ngoái.
Đại diện cho Facebook và Google xác nhận đã nhận được lời mời từ Ủy ban Tình báo Thượng viện, nhưng không nói rõ có tham gia không. Twitter đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận gì.