Xuân Ba: Cách điều binh đặc biệt của Nguyễn Trần Bạt đã khiến quân sĩ của ông lần lượt trở thành những người rất có uy tín trên thị trường lao động Việt Nam. Có vị Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ từng là trợ lý của ông. Khoảng hơn 70 công ty làm dịch vụ tư vấn hiện nay có người đứng đầu là những người từng có thời gian công tác trong công ty ông. Và không ít các luật sư sau khi thôi làm ở công ty ông, họ được nhận công việc tại những công ty luật danh tiếng thế giới như Baker & McKenzie hay White & Case... Xin ông vui lòng hé lộ những bí quyết riêng của việc dùng người?
Nguyễn Trần Bạt: Câu hỏi của anh làm tôi nhớ đến phim “Dũng sĩ giác đấu”. Cách điều hành cán bộ của tôi là anh em nào cũng phải đối mặt với công việc, như người dũng dĩ đối mặt với kẻ địch trên đấu trường. Họ có thể sống, có thể chết, có thể thắng, có thể thua, lương có thể 5.000 đôla/tháng và cũng có thể chỉ 300-500 đôla/tháng, tùy thuộc vào phẩm chất của họ. Tôi không nương nhẹ đối với binh sĩ. Hành vi làm cho con người tủi thân nhất chính là được nâng đỡ. Tôi có một tác phẩm có tên là “Vượt qua các giới hạn”. Hầu hết những việc chúng tôi làm đều phải vượt qua các giới hạn của nó. Cách tôi bày đặt công việc cho anh em là như thế. Nhưng tôi không làm việc cụ thể với anh em mà họ buộc phải sáng tạo và chịu trách nhiệm về các sáng tạo cụ thể của mình. Tôi là người thầy hướng dẫn họ tưởng tượng chứ tôi không phải là thợ cả. Loại công việc này có những loại rủi ro nào và những chuyên gia của nó chết như thế nào là tôi nói để họ biết. Có những người hiện nay đã yên phận ở trong tù từng đến hỏi tôi trước khi nhậm chức là có bao nhiêu rủi ro cho cương vị ấy. Tôi đã nói trước cho họ những cửa tử và cuối cùng thì mọi chuyện xảy ra đúng như vậy, họ chủ quan nên không thoát được.
Theo ông Nguyễn Trần Bạt, các ngôi sao tư sản dân tộc các thế hệ đầu tiên không hơn các doanh nhân hàng đầu ngày nay.
Xuân Ba: Ông từng bộc bạch thực phẩm của tài năng là tự do. Thưa ông, tự do tối thiểu cũng như nếu không được tuyệt đối thì cũng là chừng mực của doanh nhận Việt hiện nay là gì? Họ đang để suông để chuội hay cần phải tháo gỡ cải cách gì để có thứ thực phẩm quý giá ấy?
Nguyễn Trần Bạt: Tự do của doanh nhân Việt Nam chính là những sơ hở mà họ tận dụng được do tính không chuyên nghiệp của Nhà nước trong việc quản lý kinh tế. Tự do của mọi doanh nhân trên thế giới đều gắn liền với sự sơ sểnh của các nhà nước. Ai không hiểu chính trị, không hiểu được các khe hở mà các chính phủ vô tình tạo ra thì người đó không làm doanh nhân hiện đại được. Cũng chính vì đặc điểm ấy nên có một loại nghề đắt giá đi kèm bảo vệ doanh nhân, đấy chính là các luật sư.
Khi tôi nói tự do là thực phẩm của thiên tài là nói đến khía cạnh sáng tạo chứ không nói đến khía cạnh kinh doanh. Tự do của doanh nhân là tự do nhân tạo bởi kinh doanh là đối tượng nhân tạo. Vì thế tự do của doanh nhân không phải là tự do phổ quát của con người. Tự do của doanh nhân là sự bất lực của hệ thống quản lý nhà nước.
Dự thảo cương lĩnh chuẩn bị cho Đại hội Đảng XII vừa được công bố có nói đến nâng cao năng lực của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tức là xây dựng hệ thống chính sách và pháp luật để vừa khuyến khích, vừa quản lý đời sống kinh doanh. Tôi cho rằng trong việc nghiên cứu để nâng cao năng lực thể chế cần để ý đến cặp phạm trù mà tôi vừa đề cập. Nghiên cứu các kẽ hở của pháp luật và sự sơ hở của nhà nước để tận dụng là đặc trưng của doanh nhân ở mọi nơi trên thế giới. Chúng ta thấy gần đây xuất hiện cả công ước quốc tế về chống rửa tiền. Nếu khái quát lên sẽ thấy việc khắc phục các điểm yếu của năng lực quản lý nhà nước về kinh doanh đã trở thành vấn đề toàn cầu.
Xuân Ba: Sự thành đạt của Nguyễn Trần Bạt những là lập thân lập nghiệp và cả lập ngôn nữa… Bằng cớ là ông là tác giả của nhiều cuốn sách khá tày tặn vài trăm trang in trở lên mà đa phần do NXB Hội Nhà văn in. Không phải tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ… Tuy chẳng phải hồi ký nhưng những chiêm nghiệm bộc bạch của ông về cuộc sống, về lòng người, thói đời lẫn thế sự như là một thông điệp đa dạng rằng sự giàu có về của cải vật chất phải luôn song hành với sự giàu có phong phú về tâm hồn. Phải vậy không thì cuộc sống mới có ý nghĩa?
Nguyễn Trần Bạt: Viết sách là một lối thoát về mặt phát triển của tôi. 45 tuổi tôi mới bắt đầu kinh doanh, khi có tiền thì tôi bắt đầu già, khó tiếp tục mở rộng kinh doanh ở mức cao hơn nữa. Tôi không có tương lai nếu phát triển theo hướng trở thành một nhà kinh doanh lớn hơn. Mà con người thì luôn luôn phải phát triển nên tôi tìm cách phát triển theo hướng khác, đó là phấn đấu để có một trí tuệ lớn hơn. Tôi đã thay thế việc phát triển túi tiền bằng việc phát triển trí tuệ. Khi tôi viết sách thì vợ tôi thấy khó tưởng tượng tại sao ông chồng của mình bỗng nhiên có một năng lực như vậy. Bởi vì vợ tôi chỉ bắt đầu đi cùng tôi từ lúc tôi 30 tuổi mà cuộc đời của tôi thì bắt đầu từ năm 10 tuổi. 80% học vấn mà tôi có là do tôi học từ lúc ấy. Vốn hiểu biết của tôi có rất sớm do những kiến thức về các nền văn học lớn trên thế giới mà tôi học được. Cái đó trở thành công cụ cơ bản để tôi tạo ra phần thứ hai này của tôi.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước khi mất mấy năm có mời tôi đến chơi. Tôi có nói với ông rằng: “Thưa Thủ tướng, tôi rất cám ơn ông. Đối với tôi, Việt Nam có hai nửa người anh hùng đó là ông và Tổng bí thư Đỗ Mười. Nhờ cảm hứng tôi nhận được từ hai ông mà tôi lập ra công ty của tôi”. Ông Kiệt tỏ ra khá thân mật với tôi trong những năm cuối đời. Tôi cũng có mời anh Nguyễn Khoa Điềm đến đây và nói với anh ấy rằng “Trong đời tôi có hai việc lớn là lập ra công ty và viết sách. Tôi muốn cảm ơn hai người, đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt và anh. Tôi đã gặp Thủ tướng rồi. Hôm nay tôi mời anh đến đây để cảm ơn anh, vì mấy cuốn sách của tôi đã được xuất bản thời kỳ anh làm Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa”. Nói như vậy để anh thấy rằng tôi là người suy nghĩ về ân huệ rất chi li. Sở dĩ tôi có thiện cảm với những người cộng sản vì tôi biết rằng sự nghiệp của tôi, sự thành đạt của tôi có được trong sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ những người không biết tận dụng các cơ hội mới than trách rằng chế độ chính trị này ngăn cản họ thành đạt.
Xuân Ba: Tại sao những cuốn sách của anh chỉ in ở nhà xuất bản Hội Nhà văn?
Nguyễn Trần Bạt: Anh biết là trên thế giới này các nhà triết học hoặc khoa học có hai phong cách. Phong cách Ănglô–Xắcxông (tức là phong cách Anh) đi theo hướng logic. Còn phong cách Pháp thì đi theo hướng văn học. Rất nhiều nhà triết học Pháp là nhà văn. Ví dụ, Voltaire, Montesquieu, Loui Aragon, Jean Paul Sartre, v.v… có thể gọi họ là nhà triết học, nhà chính trị học hay nhà văn cũng được. Người Việt chúng ta có một thời kỳ Pháp thuộc cho nên các phương pháp luận chịu ảnh hưởng khá lớn của phong cách Pháp. Tôi cũng không nằm ngoài điều ấy. Tôi thể hiện các nội dung của mình bằng ngôn ngữ văn học. Anh Vũ Tú Nam có nói với tôi “anh viết sách chính trị mà đọc như đọc tiểu thuyết”. Anh Ma Văn Kháng cũng đến đây bảo là “tớ đọc được các thông điệp của cậu chèn trong các kẽ chữ”. Tôi chọn phong cách như vậy để thể hiện các tác phẩm của mình, cho nên mới chọn nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Nhân đây tôi cũng xin lưu ý báo chí là sự chuyển đổi thế hệ kinh doanh, chuyển đổi các mô đun cơ bản của đời sống văn hóa kinh doanh ở Việt Nam thay đổi rất nhanh, cho nên ngôn ngữ phải chạy cho kịp. Các anh đôi khi không để ý đến khía cạnh lạc hậu của ngôn ngữ. Với tình trạng phát triển Internet như thế này, người ta vứt ngôn ngữ đi nhanh lắm. Đôi khi tôi cũng thấy chóng mặt về sự thay đổi ấy.
Xuân Ba: Đấy là cái vạn biến hay cái bất biến?
Nguyễn Trần Bạt: Bản thân từng yếu tố trong chu trình thay đổi là vạn biến, nhưng tất yếu thay đổi là bất biến.
Xuân Ba: Tôi nghĩ có lẽ may mắn là sống sót được vài người như ông?
Nguyễn Trần Bạt: Không, tôi nghĩ là có nhiều thứ sống sót chứ. Có điều không phải mọi sự sống sót đều to khỏe cả. Còn có nhiều sự sống sót khác gầy hơn. Vì chúng ta chỉ có thói quen nhìn các con to khỏe nên không nhìn thấy sự tồn tại của các con gầy. Tôi có bài viết bàn về chênh lệch giàu nghèo. Tôi cho rằng chênh lệch giàu nghèo đôi khi còn là sự chênh lệch về năng lực. Không thể đòi hỏi những con có năng lực thấp phát triển thành những con to khỏe được. Mà cuộc sống cũng không cần những sự hoành tráng ngốc nghếch, bất hợp lý.
Chúng ta phải có một cấp phối phát triển phù hợp với năng lực của từng đối tượng. Ví dụ, tôi đủ kinh nghiệm để hiểu được giá trị của những kích thước lớn như Vincom, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia lai, v.v… nhưng tôi không thèm muốn nó. Đó là trạng thái cân bằng tinh thần mà con người cần phải rèn luyện. Trong cuộc sống, nhiều khi người ta không kìm hãm được sự ham muốn, đố kỵ. Nếu không rèn luyện để mất đi sự đố kị, ham muốn vu vơ thì cuộc sống không bao giờ hạnh phúc cả.
Xuân Ba: Cái cảm giác đó khủng khiếp lắm?
Nguyễn Trần Bạt: Vô cùng khủng khiếp, nó dày vò, nó hành hạ nếu như người ta không biết cách tự cân bằng. Tôi kể cho anh nghe câu chuyện của cá nhân tôi. Tôi từng là Phó Chủ tịch của Habubank và có 30% cổ phần ở đó vào năm 1989. Sau một hồi lòng vòng xem công việc bếp núc của hoạt động ngân hàng như thế nào, tôi đã bán hết số cổ phần và rút khỏi đó. Bởi tôi biết tôi làm tiền để sống chứ không phải để chết. Tôi quý sự yên tĩnh cá nhân của tôi hơn mấy đồng tiền ấy. Mọi người cứ tưởng giàu có là một món quà vô tư. Giàu có là một gánh nặng. Giàu có đôi khi trở thành cái gông treo trên cổ con người, làm nặng trĩu tâm hồn con người.