Bí thư Hà Nội: Quản lý vỉa hè, lòng đường phải bài bản, không 'bắt cóc bỏ đĩa'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, vấn đề quản lý lòng đường, vỉa hè là "rất quan trọng", phải làm, nhưng cần suy nghĩ, bàn cách làm sao cho căn cơ, bài bản, không "bắt cóc bỏ đĩa".

Sáng 31/3, kết luận hội nghị giao ban quý I/2023 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo 197 thành phố, Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp theo kế hoạch, chú trọng những biện pháp duy trì kết quả, bảo đảm lâu dài về trật tự an toàn giao thông và văn minh đô thị, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Ông Dũng cho rằng, vấn đề quản lý lòng đường, vỉa hè là "rất quan trọng", phải làm, nhưng phải suy nghĩ, bàn cách làm sao cho căn cơ, đảm bảo công bằng, minh bạch, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Bí thư Hà Nội: Quản lý vỉa hè, lòng đường phải bài bản, không 'bắt cóc bỏ đĩa' ảnh 1

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV)

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, vỉa hè gắn với sinh kế của nhiều người dân đô thị, phần nào gắn với kinh tế đô thị. Vì thế, người dân cứ bàn ra, bàn vào sau mỗi đợt mở chiến dịch. Vì thế, phải xác định đúng nguyên nhân để tìm cách khắc phục, làm một cách căn cơ, bài bản, không làm kiểu "bắt cóc bỏ đĩa".

"Nếu cứ thỉnh thoảng phát động chiến dịch thì tôi e sẽ thành kiểu 'bắt cóc bỏ đĩa', dẫn đến lãng phí thời gian, nguồn lực. Phải bàn để làm căn cơ, bài bản, bền vững", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.

Bí thư Hà Nội cũng nêu, về nguyên tắc vỉa hè là dành cho đi bộ, nhưng ở nước ngoài, vỉa hè vẫn cho kinh doanh. Căng dây, căng biển báo, có quy hoạch đoạn nào được bán hàng, thậm chí quy định giờ bán hàng. Lấn ra ngoài khu vực là bị phạt. "Vì thế, cần suy nghĩ để tổ chức thực hiện, đảm bảo hiệu quả lâu dài, công khai, minh bạch", ông Dũng nói.

Ông Dũng nêu ví dụ về khu vực vỉa hè khách sạn Metropole làm quy hoạch tốt, công khai, minh bạch việc cho thuê mặt bằng theo giờ, vừa có nguồn thu, vừa đảm bảo được trật tự. Từ đó, ông Dũng giao UBND thành phố giao Sở Xây dựng, Sở QH&KT nghiên cứu lập quy hoạch lòng đường, vỉa hè từng tuyến phố, từng khu vực.

Bí thư Hà Nội cũng cho rằng, hạ tầng thành phố đang quá tải, đặc biệt trong khu phố cổ, phố cũ, ở một số khu đô thị mới. Việc cần làm là quy hoạch theo từng tuyến phố, Sở Xây dựng phải chủ trì cùng các quận, huyện thực hiện, công khai với nhân dân.

"Khâu này rất quan trọng, cần thí điểm một số khu vực, đặc biệt ở các quận nội đô, làm trong năm nay. Tính toán cho phù hợp, đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân", ông Dũng nói, đồng thời cho rằng, có thể thí điểm một số vị trí cho phép mở mặt bằng cho thuê theo thời gian để kinh doanh.

"Ra quân như thế này, xe công an chạy đến đâu thì người dân ôm bàn ghế chạy đến đó, không ra làm sao thậm chí lại phản cảm. Nhân dân tin tưởng, hoan nghênh, đồng lòng sẽ thành công", ông Dũng nói thêm.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh, cùng với nghiên cứu theo quy hoạch, trọng điểm tập trung vào các quận nội đô, từng tuyến phố, làn đường, thì phải dũng cảm đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Khi cơ bản đồng thuận thì áp dụng. "Từng bước ta làm phải căn cơ, bài bản. Khi đã quy hoạch xong, được đồng thuận thực hiện thì tiến thêm một bước là số hoá để giám sát", Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Kết quả chưa bền vững

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, Ban Chỉ đạo 197 thành phố đã ban hành Kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 với 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn kiểm tra, duy trì (từ ngày 1/4/2023 đến ngày 1/11/2023).

Tính đến ngày 25/3, các lực lượng đã kiểm tra, xử lý 24.300 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, phạt thành tiền 50,5 tỷ đồng; đã kiểm tra, xử lý 7.492 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, phạt thành tiền 9,2 tỷ đồng. Số vi phạm về trật tự an toàn giao thông được xử lý tăng 29,6%, vi phạm về trật tự đô thị được xử lý tăng 87,6% so với cùng thời gian liền kề. “Tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, nhất là tại 12 quận đã có nhiều chuyển biến tích cực...”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, mặc dù tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng kết quả chưa bền vững. Nhiều điểm đã xử lý nhưng không duy trì được, để tái lấn chiếm...

Ông Tuấn cho biết, thời gian tới, UBND thành phố sẽ chỉ đạo thực hiện 8 nhóm giải pháp; trong đó sẽ thống nhất danh mục các tuyến phố cấm đỗ, để xe dưới lòng đường, trên hè phố; nghiên cứu đưa ra các tiêu chí cụ thể về việc cho phép đỗ, để phương tiện dưới lòng đường, trên hè phố.

Thành phố cũng sẽ có quy định cụ thể về quản lý phương tiện ô tô dừng, đỗ trên hè phố...; chỉ đạo các quận, huyện, thị xã phối hợp nghiên cứu phương án sắp xếp cho các hộ kinh doanh trên hè phố, các điểm trông giữ phương tiện, các chợ tự phát, chợ cóc (sau khi giải tỏa) để vừa đảm bảo trật tự đô thị, vừa đảm bảo cho cuộc sống của người dân...

MỚI - NÓNG