Bí thư, Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo khắc phục ngay hiện tượng cá chết ở hồ Tây

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo đại diện quận Tây Hồ, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo quận chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan khắc phục ngay hiện tượng cá chết ở hồ Tây. 

Như Tiền Phong đã thông tin, liên tiếp các ngày qua xuất hiện tình trạng cá chết ở hồ Tây. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, số lượng cá chết khá nhiều, ngày cao điểm vớt được cả trăm kg. Đáng chú ý, tình trạng này đã kéo dài từ tháng 9/2022 đến nay.

Mới nhất, trong các ngày 16 - 18/11, tại hồ Tây vẫn tiếp tục xuất hiện tình trạng cá chết. Lượng cá chết chủ yếu là cá mè cỡ nhỏ, trôi dạt vào ven bờ các tuyến phố Trích Sài, Lạc Long Quân, Vệ Hồ.

Bí thư, Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo khắc phục ngay hiện tượng cá chết ở hồ Tây ảnh 1

Cá chết trôi dạt vào bờ hồ Tây ven phố Vệ Hồ ngày 18/11. Ảnh: Trường Phong

Liên quan đến sự việc này, ngày 18/11, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo quận Tây Hồ phối hợp với các đơn vị, sở, ngành liên quan khắc phục ngay hiện tượng cá chết kéo dài nhiều ngày ở hồ Tây.

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trực tiếp yêu cầu quận Tây Hồ chủ động với các đơn vị để khắc phục hiện tượng cá chết, tránh gây ra ô nhiễm môi trường", vị này nói.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, quận đã liên hệ với Xí nghiệp thoát nước số 1 (Cty Thoát nước Hà Nội) để phối hợp, tăng cường thêm lực lượng vớt cá chết.

"Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ thêm nhân lực nếu cần, đồng thời huy động thêm ca nô để vớt lượng cá chết trôi nổi giữa lòng hồ", vị này thông tin.

Bí thư, Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo khắc phục ngay hiện tượng cá chết ở hồ Tây ảnh 2

Lấy mẫu nước hồ Tây để quan trắc sáng 18/11. Ảnh: Trường Phong

Cũng theo vị này, quận đã đề nghị đơn vị chức năng thuộc Sở NN&PTNT có văn bản phối hợp, hướng dẫn quận thực hiện chủ trương giảm mật độ cá sinh sống trong hồ Tây.

Quận cũng sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc các sở, ngành rà soát lại các điểm xả xuống hồ Tây, xem xét có phương án phù hợp, tránh gây ô nhiễm môi trường nước; đồng thời, đề nghị đơn vị chức năng sở TN&MT tiếp tục quan trắc môi trường nước, đề xuất các giải pháp cụ thể.

Trước đó, báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về công tác phân cấp, uỷ quyền trên địa bàn thành phố cho thấy, một số nhiệm vụ cụ thể liên quan đến nhiều cấp, ngành, nhiều lĩnh vực chưa quy định phân cấp đầy đủ, bao quát như quản lý Hồ Tây liên quan đến 7 lĩnh vực; 8 sở chuyên ngành, UBND quận Tây Hồ và UBND các phường của quận Tây Hồ; giai đoạn 2009 – 2016 có quy định riêng, giai đoạn 2016 đến nay chưa có quy định riêng nên chưa bao quát hết các nhiệm vụ về quản lý hồ Tây.

Sau đó, tại Kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có nội dung liên quan đến phân cấp quản lý hồ Tây. UBND thành phố cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết này, yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan sớm hoàn thiện, ban hành quy định quản lý và khai thác hồ Tây.

Cụ thể, thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, NN&PTNT, GTVT, Tài chính, Nội vụ, QHKT, VHTT, Du lịch, UBND quận Tây Hồ thực hiện, hoàn thành ngày 15/12/2022.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.