Bí thư Chi đoàn nuôi ếch giỏi, thu nhập trăm triệu

Bí thư Chi đoàn Võ Văn Út Em giới thiệu kỹ thuật nuôi ếch Ảnh: Hòa hội
Bí thư Chi đoàn Võ Văn Út Em giới thiệu kỹ thuật nuôi ếch Ảnh: Hòa hội
TP - Anh Võ Văn Út Em, 32 tuổi, Bí thư Chi đoàn khu vực Thạnh Hiếu, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) không chỉ năng nổ trong công tác Đoàn mà còn tiên phong trong lập nghiệp, làm giàu với mô hình nuôi ếch mang giá trị kinh tế cao.

Thu nhập trăm triệu

Võ Văn Út Em là con út trong gia đình có 6 anh em. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, duy chỉ có Út Em được học trung cấp ngành nuôi trồng thủy sản. Sau khi tốt nghiệp trung cấp năm 2010, Út Em đi làm thuê cho doanh nghiệp nhưng đồng lương nhận được chẳng là bao. Cậu quyết định trở về nhà lập nghiệp. "Đi làm lương vài triệu, trừ phí nhà trọ, ăn ở này nọ, tích lũy chẳng được bao nhiêu. Tôi quyết định trở về quê, vận dụng những kiến thức đã học để phát triển mô hình nuôi cá thát lát", Út Em chia sẻ.

Út Em đầu tư mô hình nuôi cá thát lát giống để bán nhưng sớm thất bại do không có đầu ra. Nghe một số người nói về mô hình nuôi ếch của một người trong xóm, cậu lân la tìm hiểu, xem xét thị trường. Rồi cậu quyết định mua 500 ếch con về nuôi thử nghiệm. Kết quả khá bất ngờ là lứa nuôi đầu tiên cho năng suất cao, tiêu thụ dễ dàng.

Quyết định phát triển mô hình nuôi ếch, Út Em tìm hiểu kỹ lưỡng về ếch Thái, kỹ thuật nuôi và đầu ra. Anh đầu tư làm bồn bạt nhựa với diện tích 24m2 và thả 3.000 ếch con. Trong bồn anh để mực nước từ 15 - 20 cm. Để cho ếch có thể trú ẩn hoặc ngồi tắm nắng, anh dùng những miếng cao su mỏng 1cm, rộng 1m, dài hơn 1m, cắt lỗ ngang dọc như hình
cửa sổ.

Út Em dùng thức ăn nuôi cá tra làm thức ăn cho ếch. Khi ếch còn nhỏ anh cho ăn dạng viên nhỏ, khi ếch lớn tăng dần kích cỡ viên thức ăn. Mỗi ngày anh cho ếch ăn 4 lần, lượng thức ăn căn cứ vào lúc ếch đói hay no. Nguồn nước để nuôi ếch được anh lấy từ sông. Nước ngọt không bị nhiễm phèn, mặn, đã qua xử lý rồi mới bơm vào bồn nuôi ếch.

Mỗi ngày Út Em thay nước cho bồn ếch một lần. Vì thế mà bồn ếch của anh rất ít khi bị bệnh. Trong quá trình nuôi anh thường xuyên phân loại ếch, nếu có con bị dị tật hoặc nhỏ đều được thả riêng biệt, có chế độ chăm sóc riêng. Do đó ếch của anh luôn phát triển đồng đều.

Về đầu ra cho sản phẩm, Út Em cho biết hiện có một số người đứng ra thu mua, sau đó đưa đi các thành phố để bán. Giá dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/kg. Nếu bán được giá 40.000 đồng/kg, bồn ếch của anh sau khi trừ đi hao hụt, thu về 20 triệu đồng. Sau khi trừ đi tất cả các khoản chi phí như vật tư, con giống, thức ăn, công chăm sóc… thì số tiền lời khoảng 10 triệu đồng. Thời gian nuôi một lứa để bán là 2 tháng.

Hiện Út Em đầu tư 6 bồn để nuôi ếch, mỗi năm sản xuất từ 4 - 5 lứa. Trong đó có 1 bồn nuôi ếch sinh sản để chủ động nguồn giống. Năm 2019, anh thu về 4 tấn ếch thịt, nhân giống thành công 20.000 con, cho lợi nhuận tổng cộng hơn 160 triệu đồng.

Giúp thanh niên thoát nghèo

Không chỉ làm giàu cho bản thân, Út Em còn nhiệt tình giúp đỡ nhiều thanh niên khác ở địa phương vươn lên thoát nghèo bằng cách hỗ trợ con giống và kỹ thuật, thậm chí bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

Năm 2018, Út Em thành lập câu lạc bộ làm kinh tế liên khu vực với 5 thành viên do anh làm chủ nhiệm. Hiện số thành viên câu lạc bộ tăng gấp đôi. Từ khi câu lạc bộ đi vào hoạt động, đến nay đã giúp đỡ cho nhiều đoàn viên, thanh niên khu vực Thạnh Hiếu thoát nghèo. Mô hình nuôi ếch hoạt động hiệu quả đã được nhân rộng ra toàn phường.

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, Bí thư Đoàn phường Bình Thạnh cho biết, trên địa bàn phần lớn thanh niên đi làm ăn xa ở Bình Dương hay TPHCM, còn lại chủ yếu người già và trẻ em. Thanh niên bám trụ ở quê phát triển kinh tế là rất ít, trong đó Út Em là một điển hình. "Út Em là thanh niên chí thú làm ăn, kiên trì phấn đấu vươn lên. Không chỉ phát triển bản thân mà anh còn giúp đỡ nhiều thanh niên khác thoát nghèo. Ngoài ra, anh còn là cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào và công tác Đoàn, Hội ở địa phương", chị Thoa cho biết.

Vợ chồng Út Em còn có một quầy bán ếch và cá ở đầu đường gần UBND phường Bình Thạnh. Út Em cho biết, thời gian nuôi ếch nhàn rỗi nên vợ chồng tranh thủ bán để tăng thêm thu nhập. Hai vợ chồng mua các loại cá (điêu hồng, cá tra..) từ thương lái rồi bán lại. 

Anh Trần Minh Tuốc, Bí thư thị Đoàn Long Mỹ (Hậu Giang) đánh giá, Út Em là thanh niên cần cù, chịu khó tìm tòi học hỏi. Trước đây, ban đầu còn khó khăn, thị Đoàn đã đồng hành, giúp anh vay vốn để đầu tư mô hình nuôi ếch. Hiện Út Em là một trong hai thanh niên điển hình của tỉnh được Tỉnh Đoàn Hậu Giang chọn đề nghị xét tặng Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV năm 2020 của T.Ư Đoàn.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.