Tột cùng số phận
Như Tiền Phong đã đưa tin, vụ chị Lý Thị N (SN 1986, quê Tuyên Quang) thuê Doãn Văn D (SN 1995, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) chặt chân, tay để nhận tiền đền bù bảo hiểm đang được Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội xem xét khởi tố vụ án. Đằng sau sự việc này là số phận éo le của người thiếu phụ miền sơn cước.
Khai với cảnh sát, N cho hay, cô lập gia đình về sinh sống cùng chồng tại xã Xuân Phú (Phúc Thọ, Hà Nội) từ năm 2009. Do làm ăn buôn bán thua lỗ, N nợ người thân bạn bè số tiền khoảng 240 triệu đồng, không có khả năng chi trả nên lúc nào cũng nghĩ đến nợ nần. Đầu năm 2016, N mua 3 hợp đồng bảo hiểm tổng trị giá 50 triệu đồng/năm của Bảo Việt Nhân Thọ và Prudential.
“Cuối tháng 4/2016 trong lúc cùng quẫn, đọc điều khoản nếu người mua bảo hiểm mà bị thương 1 tay, 1 chân thì sẽ được đền bù số tiền rất lớn nên tôi nghĩ tới việc tự chặt chân tay mình. Tôi có kể cho D về suy nghĩ của mình nhưng D khuyên ngăn, song lúc đó tôi chỉ nghĩ tới nợ nần nên quyết tâm thực hiện và nhờ D giúp với giá 50 triệu đồng” – N khai.
Chiều 4/5, N hẹn gặp D rồi cùng nhau xuống Hà Nội. Trên đường đi, người phụ nữ dân tộc Tày mua con dao mác dài 35cm mang theo. Khoảng 5 tiếng sau, N viết một giấy nợ 50 triệu để làm tin với D sau đó cả hai bắt taxi ra đường ray thuộc địa phận phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) thực hiện kế hoạch.
Khi đoàn tàu lúc nửa đêm còn cách khoảng 100m, N nằm gác chân và tay trái lên đường ray để D ra tay. D chặt chân trái trước, N tiếp tục giục thực hiện với bàn tay mình. Khi tàu hoả đi qua, D dùng dây chuối buộc vết thương cầm máu trong khi N đã bất tỉnh rồi vào báo bảo vệ trạm gác tàu và công an. Xong việc, D vứt điện thoại, bỏ sim và gửi xe máy của N vào bến xe Mỹ Đình rồi về quê. Một tháng sau, vết thương lành, N cầm kết quả xác thực thương tật của bệnh viện tới các Cty bảo hiểm đã mua làm thủ tục nhận tiền đền bù nhưng chưa được chấp thuận.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp,
Người được thuê chặt chân tay ân hận
Biệt tích 3 tháng, D bị công an triệu tập. Biết bị lộ, thanh niên này ân hận. “Lúc đó tôi chỉ muốn kiếm một chút tiền cho mẹ ở nhà và cho em đi học. Tôi biết hành động của mình là sai và tôi rất hối hận” – D nói. Cũng theo lời nam thanh niên này, trước đó khi bàn về kế hoạch N. tâm sự muốn gây sức ép gia đình bán đất để trả nợ vì số tiền quá lớn.
Sau 7 ngày suy nghĩ, D mới đồng ý thực hiện. “Thời điểm chặt chân tay ở đường ray, N đưa tôi 500.000 đồng trả tiền xăng xe đi đường. Sau đó, N 2 lần nữa đưa tôi 2,5 triệu đồng và hứa sẽ trả đủ số nợ” – D khai với cảnh sát.
Ông B (59 tuổi, bố chồng N) chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Thanh Hà.
Vay lãi 300 triệu trả cho con dâu
Có mặt tại nhà N., PV Tiền Phong chứng kiến ông B. (59 tuổi, bố chồng N.) sốc khi nghe thông tin con dâu thuê người “chặt chân tay” để nhận tiền bảo hiểm. Người đàn ông khắc khổ tỏ ra đau đớn khi nghe những lời ra tiếng vào của bà con lối xóm khi đưa các cháu đi học.
“Tôi không hề hay biết gì. Hôm con dâu gặp nạn, vợ chồng tôi còn lên viện thăm nom, chăm sóc. Cách đây vài hôm, N có về nhà nhưng không tâm sự gì. Khi bà con lối xóm báo tin, tôi như chết lặng. Năm 2015, con dâu bị xử tội môi giới mại dâm khiến vợ chồng nó xảy ra trục trặc. Kể từ đó, nó thường đi làm xa có khi cả tuần mới về thăm con” - ông B rầu rĩ.
Còn bà K (56 tuổi, mẹ chồng N) mắt đỏ hoe, thẫn thờ không lý giải được tại sao con dâu lại nợ số tiền lớn như vậy. Cách đây vài tháng, có người đến đòi nợ, gia đình bà phải đi vay lãi 300 triệu trả cho con dâu. Sau đó, lại có người khác cầm giấy ghi nợ tới đòi 20 triệu đồng khiến vợ chồng bà như ngồi trên đống lửa.
“Trước khi xảy ra tai nạn, N. có mở một quán nước mía ở đầu làng, tôi ra phụ giúp nhưng bán không lâu thì bỏ. Hai vợ chồng tôi đã già chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng qua ngày mà bây giờ còn phải trả lãi hằng tháng khiến tôi không đêm nào được yên giấc” - bà K. rưng rưng.
Không nên “ném đá”
“Việc thuê người chặt chân và tay của mình đã được chị N lên kế hoạch với động cơ chiếm đoạt tài sản của các Cty bảo hiểm chứ không phải là hành vi bột phát. Nhưng cho dù khó khăn, túng quẫn đến đâu, việc thực hiện hành vi trên của chị N là rất đáng trách. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên có cách nhìn nhân văn, không nên “ném đá”, “tát nước theo mưa” mà chỉ nên xem đó là bài học để không bao giờ đi vào vết xe đổ của chị N”.
TS., trung tá Đoàn Văn Báu, Phó trưởng khoa Tâm lý (Đại học An ninh nhân dân)