“Bi kịch mái trường” - Bản lĩnh của người cầm bút

“Bi kịch mái trường” - Bản lĩnh của người cầm bút
TP - “Bi kịch mái trường” lấy nguyên mẫu “Đất học anh hùng Cẩm Bình” Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh, được xuất bản cách đây 20 năm. Đầu năm 2009, NXB Văn học in lại; “Bi kịch mái trường” đã trở thành sự kiện sôi động trong dư luận và giới văn chương.
“Bi kịch mái trường” - Bản lĩnh của người cầm bút ảnh 1

NXB Giáo dục tiếp tục in thêm với quy mô lớn hơn. Một xưởng phim đang bắt tay chuyển thể, khởi quay về lĩnh vực nhạy cảm này.   

Cách đây gần 20 năm, đọc Bi kịch mái trường, tôi rất tâm đắc, giục Nguyễn Hữu Đàn khẩn trương cho in ngay. Vừa in xong được tặng giải nhất cuộc thi tiểu thuyết ở Nghệ Tĩnh.

Hồi ấy, mấy ai trong ngành giáo dục xứ này dám công khai đọc và bàn luận Bi kịch mái trường? Cuối xuân 2009, Nguyễn Hữu Đàn về khai trương Văn phòng đại diện Báo Thanh Tra tại Hà Tĩnh, tôi giục Đàn nên cho tái bản. Và hơn tháng sau, NXB Văn học đã in lại thật đẹp và trang trọng. Nay, đọc lại Bi kịch mái trường, tôi càng cảm phục tác giả, thời ấy dám viết được như thế là rất vững tâm. 

Đậu Phụng Quốc là nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết Bi kịch mái trường mà tác giả đã dày công xây dựng. (Hiểu nôm na đậu phụng là một loại thực phẩm nằm trong bảng: rau dưa, bầu cà...).

Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng ra miền Bắc, Đậu Phụng Quốc là Hiệu trưởng trường cấp 1 của làng Mà. Ông có công xây dựng hệ thống hầm hào kiên cố xung quanh trường và khởi xướng phong trào “Xóa nạn mù chữ”.

Với hai thành tích có thật ấy cộng với phương châm sống: “Đời là phải nói, nói nhiều hơn làm, người ta mới biết công lao cho mình” khiến Đậu Phụng Quốc được chú ý. Sau lời khen của một nhà báo, Bí thư Huyện ủy nói với Trưởng ty Giáo dục: “Có thể đây là một điển hình”.

Từ đó, các nhà tuyên giáo còn phát hiện thêm “Đậu Phụng Quốc là một tấm gương tự học”. Công danh của thầy nổi lên sau hội nghị tổng kết điển hình về gương tự học ở tỉnh.“Thầy khệ nệ mang lên và lật giở cho đại biểu từng chồng sách dày tiếng Nga, tiếng Anh... với giọng đầy hứng khởi, thầy vung tay, nước bọt bắn ra:

Từ một anh giáo “a b c” rồi học “7+3”, nay tôi đã học xong đại học môn Toán - Lý do Ty mở. Tôi trao đổi thư từ với Viện sĩ NốcHin - Thụy Điển, Viện sĩ ToMat - Viện Hàn Lâm khoa học Pháp và Viện sĩ TaiTa ở Liên Xô...”.

Sau hội nghị ấy, thầy lên như diều. Từ mô hình giáo dục này, nhân vật thứ hai nhanh chóng phất lên là Bí thư Đoàn trường Nguyễn Đức Công. Với giọng nói vừa lay vừa cặp, vừa nhập nhèm đôi mắt, vừa thấp kém về tư cách, làm chủ nhiệm lớp thì sẵn sàng van lạy học sinh, thao giảng thì trốn như chạch,…nhưng lại rất giỏi rình mò, báo cáo, xu nịnh. Thế mà thầy vẫn được giới thiệu để bầu vào cấp cao hơn nữa.

Viết từ mắt thấy... tai nghe

Trường ba cấp “Đại Thắng”, hiện lên trong tiểu thuyết giữa những ngày mưa gió sụt sùi, tác giả đã khái quát với giọng tưng tửng, hài hước về trường thi ngày ấy: “Toàn dân đi thi là lẽ đương nhiên. Ai cũng chạy cho con cháu, tìm người làm bài, có thầy càng tốt, tìm người rọc phách, chấm thi. Tất cả ngã giá bằng bia, rượu và những quyền lợi khác...”. (tr 244).

Học hành thế, thi cử diễn ra như thế mà trường ba cấp Đại Thắng vẫn được coi là một điển hình.    

Có nhiều chi tiết miêu tả về sự tha hoá nhân cách của người đứng đầu nhà trường. Một lần ông ta gạ gẫm “Đổi tình lấy kết nạp Đảng”, bị cô giáo trẻ Ngân Xuyên bất ngờ chống đỡ: “Mặt thầy tự nhiên tóe đốm, thầy ngã ngửa chấn đầu vào tủ đau điếng, hàm răng hình như va phải cái gì đó... Hai chiếc răng cửa lung lay...”. Thầy vẫn còn đe: “Cái con khốn nạn này, mày sẽ biết tay tao”. (tr 106).

“Bi kịch mái trường” với những gì mà Nguyễn Hữu Đàn nói về học hành thi cử, bệnh thành tích, nói khoác tận trời, quan liêu, tham nhũng,… đã thức tỉnh lương tâm chúng ta, thúc dục mỗi người vì tương lai con em hãy góp sức mình làm cho môi trường giáo dục lành mạnh hơn, hiệu quả hơn! Nhiều trang viết rất sinh động về tình thầy trò, tình bạn, tình yêu,… hiện thực trong tiểu thuyết đầy ắp, ngồn ngộn nhưng vẫn chưa thấm gì với sự kiện, nỗi vui buồn, day dứt ngoài đời.

  Tháng 7/2009
Võ Minh Châu

MỚI - NÓNG