Bị hại kêu oan cho bị cáo?!

Bị cáo Hùng (bìa trái) cùng các đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm
Bị cáo Hùng (bìa trái) cùng các đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm
TP - Bị hại khai tự nguyện trả tiền, không bị đe dọa ép buộc, TAND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) vẫn buộc tội bị cáo “cưỡng đoạt tài sản”!

Chủ nợ hầu tòa

Vụ án bắt đầu từ việc chị Hà Thị Huệ (24 tuổi, trú xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) vay tại tiệm cầm đồ của anh Nguyễn Thanh Hùng (24 tuổi, trú thị trấn Cái Rồng) 45 triệu đồng, quá hạn không trả.

Tháng 2/2013, nhân viên của anh Hùng gặp được chị Huệ và con trai, bèn chở về tiệm cầm đồ. Tại đây, anh Hùng yêu cầu chị Huệ mời bố mẹ đến nói chuyện về việc trả nợ, nhưng không có ai đến, anh Hùng bèn đưa chị Huệ tới Công an huyện Vân Đồn giải quyết. 

Từ đơn trình báo của chị Huệ, Công an huyện Vân Đồn khởi tố vụ án để điều tra, qua đó xác định nhóm của anh Hùng đã bắt giữ chị Huệ trái pháp luật, đồng thời còn gây ra sáu vụ cưỡng đoạt tài sản khác.

Các nạn nhân là bà Đinh Thị Sen (54 tuổi), ông Phạm Công Sự (53 tuổi), ông Phạm Văn Chương (59 tuổi), Phạm Văn Cường (38 tuổi), Nguyễn Văn Hoạch (25 tuổi), Nguyễn Văn Lân (27 tuổi)… 

Viện KSND huyện Vân Đồn ra cáo trạng cáo buộc nhóm của Hùng đã cưỡng đoạt hơn 250 triệu đồng của sáu người. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21/7/2014, TAND huyện Vân Đồn đã phạt Hùng 7 năm tù tội “cưỡng đoạt tài sản”, 6 tháng tù tội “bắt giữ người trái pháp luật”. Một số đồng phạm của Hùng cũng bị phạt tù.

Đòi nợ hay “cưỡng đoạt”?

Một trong những bị hại là bà Kin, khi ra trước tòa bà Kin khẳng định mình không phải là “bị hại” của bị cáo Hùng. Theo cáo trạng, tháng 5/2011, anh Lân (con trai bà Kin) vay của Hùng 150 triệu đồng lãi suất 8 nghìn/triệu/ngày, trả lãi được một lần 1,2 triệu đồng rồi bỏ nhà đi.

Nhóm của Hùng nhiều lần đến nhà bà Kin đòi tiền, có lần Hùng hùng hổ nói với bà Kin “cô nói không trả chứ gì”. Sau đó, có hôm buổi sáng ngủ dậy, bà Kin thấy trước cổng có một vòng hoa. Bà Kin lo sợ nên đã chủ động đem trả Hùng 150 triệu đồng vào ngày 25/4/2013. 

Tại tòa, luật sư bào chữa cho Hùng phân tích Hùng đến nhà bà Kin chỉ yêu cầu trả nợ, không có bằng chứng cho thấy Hùng đe dọa hay có thủ đoạn khác nhằm uy hiếp bà Kin.

Cơ quan tố tụng không thu được chứng cứ nhà bà Kin bị đặt vòng hoa, nhưng lại dùng tình tiết này làm căn cứ buộc tội Hùng là không khách quan. Tại tòa, bà Kin khai Hùng có 3 - 4 lần đến nhà bà đòi nợ, bà xác định con bà nợ Hùng là có thật nên bà tự nguyện trả thay con. 

Cáo trạng cũng cáo buộc nhóm của Hùng đã đánh anh Cường, đe dọa rạch mặt con trai bà Gấm, khiến hai người này lo sợ nên họ đã trả tiền, Cường trả 8 triệu đồng (trong tổng số 60 triệu đồng vay của Hùng), bà Gấm trả 55 triệu đồng (gồm 50 triệu đồng gốc, 5 triệu đồng lãi). Tuy nhiên, cơ quan tố tụng không có chứng cứ về việc nhóm của Hùng đánh đập hoặc đe dọa sẽ dùng vũ lực với Cường, ngoài lời khai của Cường.

Việc con trai bà Gấm bị đe dọa rạch mặt, nhà bà bị ném trứng thối, gạch đá cũng được dùng làm căn cứ buộc tội, nhưng cơ quan tố tụng không có nhân chứng, vật chứng ngoài lời khai của gia đình bà Gấm. Đặc biệt là tại tòa, bà Gấm đã phủ nhận lời khai trước đấy, khẳng định bà tự nguyện trả nợ cho Hùng. 

Hiện các bị cáo đã có đơn chống án. Hy vọng những điều chưa khách quan, chưa thỏa đáng xuất hiện tại phiên tòa sơ thẩm sẽ được xử lý tại phiên tòa phúc thẩm.

Sau phiên tòa, bà Gấm và bà Kin đã nhiều lần gửi đơn tới TAND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định họ tự nguyện trả tiền chứ không bị “cưỡng đoạt”.

Bà Kin viết: “Tôi cùng gia đình gọi anh Hùng xuống trả tiền, không bị ép buộc dọa nạt. Tại tòa tôi đã nói rõ như vậy, không hiểu sao tòa vẫn xử anh Hùng tội cưỡng đoạt tài sản”.

Bà Gấm, bà Kin cùng lý giải do trước đây có một cán bộ Viện KSND huyện Vân Đồn xuống nhà hướng dẫn cách khai giúp lấy lại tiền, các bà nổi lòng tham nên đã khai bị Hùng cưỡng đoạt theo sự chỉ dẫn của vị cán bộ này.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.