Nhu cầu thật
Khi phụ huynh đi làm, nhu cầu gửi trẻ đến trường ngày càng lớn nhưng trường học lại chưa mở cửa khiến nhiều nhóm trẻ tự phát nở rộ tại TP HCM, Hà Nội,...
Chị Nguyễn Thị Lan, sinh sống tại khu chung cư Q.7, TP HCM cho biết, hai vợ chồng chị đều đi làm, bé lớn năm nay học lớp 5 có thể chủ động việc học trực tuyến nhưng còn một con gái nhỏ mới 5 tuổi không còn cách nào khác là phải gửi vào nhóm trẻ do các cô ở Trường Mầm non gần chung cư nhận trông.
Chị Lan chia sẻ, mọi năm chị nhờ người giúp việc nhưng năm nay dịch ảnh hưởng, chị phải cắt chi phí đối tác nên việc gửi con đến cô giáo sẽ chi phí thấp hơn là thuê người.
Tương tự, Chị Nguyễn Thị Huyền, sinh sống tại khu chung cư ở Mỹ Đình, Hà Nội cho biết vợ chồng chị đều đi làm. Bé lớn nhà chị năm nay học lớp 3 có thể chủ động việc học trực tuyến nhưng còn một bé nhỏ mới 2 tuổi không còn cách nào khác là phải gửi vào nhóm trẻ do các cô trước dạy ở trường mầm non chung cư tổ chức trông gần chục trẻ để có thu nhập.
Theo chị Huyền, chị là nhân viên của một ngân hàng nên thời gian khá bận. Dù nhà khá xa, nhưng chị Huyền vẫn mỗi sáng đưa con sang nhà cô giáo dạy ở trường của con ở mãi tận Hà Đông để gửi.
"Cứ gần 7 giờ sáng hằng ngày, vợ chồng tôi mang con đến gửi cô. Cô sẽ cho con ăn uống bữa trưa và bữa xế chiều. Giá trông giữ mỗi ngày là 350.000 đồng không bao gồm tiền ăn sáng" - chị Huyền nói.
Theo phụ huynh này, dù tiền gửi khá đắt đỏ, nên để an toàn nên chị đành gửi con ở cô giáo trông con từ khi chị gửi con 6 tháng tuổi ở trường.
“Dù ngay dưới chung cư nhà tôi có tổ chức nhóm trẻ, tiền gửi có thể rẻ hơn nhưng tôi không yên tâm vì không thể tránh được dù biết tiềm ẩn những rủi ro”- phụ huynh này cho biết.
Một cô giáo ở khu vực Linh Đàm cho biết, nhóm cô có 2 giáo viên chỉ nhận giữ từ 6-7 bé, từ 3 tuổi trở lên, nhóm không nhận trẻ độ tuổi nhỏ hơn vì không có bảo mẫu chăm sóc. "Các cô phải làm luôn việc bảo mẫu nên không nhận trẻ số lượng lớn được. Mặt khác, lại nấu ăn bữa trưa, bữa xế luôn nên không thể trông trẻ với số lượng nhiều hơn" – giáo viên này nói.
Cũng theo giáo viên này, phụ huynh cũng có tâm lý muốn an tâm nên tìm cô giáo thân quen với gia đình hoặc là cô giáo cũ trên trường của con. Mặt khác, chỉ cần chỗ dạy trẻ là có mặt bằng không chật quá, bảo đảm vệ sinh là được. Còn việc ăn uống, học hành được bao nhiêu là không thành vấn đề.
Bị cấm trông trẻ tại nhà, giáo viên đồng loạt xin nghỉ
Phụ trách mầm non một phòng GD&ĐT ở Hà Nội cho rằng, hiện nay nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh là có thật, các nhóm trẻ tự phát cũng nhiều nhưng thực tế rất khó quản lý.
Mới đây, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội) ban hành công văn về việc tăng cường quản lý nhóm trẻ mẫu giáo độc lập trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, đơn vị này yêu cầu các giáo viên, nhân viên ký cam kết với chủ nhóm lớp, ký cam kết với UBND phường tuyệt đối không tổ chức các hoạt động giáo dục cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại trường, nhóm lớp tư thục, nhà riêng của giáo viên, nhân viên trong thời gian thành phố yêu cầu học sinh nghỉ học tại nhà để phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Ngay sau khi công văn được các chủ trường mầm non tư thục, mầm non độc lập chuyển đến giáo viên, hàng trăm giáo viên mầm non tư thục trên địa bàn quận Thanh Xuân đồng loạt viết đơn xin nghỉ việc.
Có nhà trường trong khu vực này, chỉ sau 1 ngày công văn được phát ra, đồng loạt 20 giáo viên và nhân viên của trường đã viết đơn xin nghỉ việc ở trường để được tiếp tục công việc trông trẻ, nhóm trẻ tại gia đình mà không ảnh hưởng đến nhà trường.
Một giáo viên mần non ở quận Hoàng Mai băn khoăn, tại sao nội dung của văn bản không đề cập tới việc cấm các giáo viên trường mầm non công lập trông trẻ, nhóm trẻ tại nhà mà lại chỉ cấm giáo viên các trường tư thục?
Mặt khác, theo giáo viên này, tại sao không tìm một hướng để giải quyết được vấn đề này và giúp giáo viên có thể ổn định cuộc sống, hay kiếm thêm thu nhập để giữ nghề mà lại bắt giáo viên nghỉ việc. Liệu điều này có công bằng không?
“Thử đặt vào địa vị những giáo viên trẻ như tôi từ tỉnh khác về đây ở trọ. Với 7 tháng vừa qua không lương, không làm thêm thì tiếp tục sẽ ra sao. Dịch bệnh không biết đến lúc nào vì thế chúng tôi phải sống trước đã. Tôi đành viết đơn xin nghỉ việc để dạy học sinh trước, rồi sau này sẽ tính sau”- giáo viên này cho hay.
Trả lời báo chí, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TP HCM, theo quy định, việc quản lý, cấp phép cho các nhóm trẻ, lớp mầm non, mẫu giáo độc lập là do quận, huyện và các phường phụ trách. Theo nguyên tắc, nếu không có phép thành lập mà hoạt động là không đúng, chưa tính đến các yếu tố an toàn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh. Phía ngành cũng đã thường xuyên nhắc nhở, lưu ý các địa phương về công tác quản lý các nhóm trẻ.
Bà Điệp cho biết, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư ban hành quy chế, tổ chức và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập. "TP HCM cũng đã có kế hoạch triển khai Nghị định 105 của Chính phủ về chính sách phát triển mầm non trên địa bàn TP HCM, đặc biệt tại các khu công nghiệp và chính sách hỗ trợ các trường ngoài công lập… đây là những tín hiệu vui cho các trường".
Trường học “phá rào” đón học sinh đến trường bị phạt 60 triệu đồng
Trường Liên cấp Mầm non – Tiểu học – THCS Capitole (Sóc Sơn, Hà Nội) đã "phá rào" đón học sinh trở lại trường, bị đình chỉ hoạt động và bị xử phạt 60 triệu đồng.
Thừa nhận sai phạm trong việc tự ý mở cửa đón học sinh trở lại trường học, đại diện ban giám hiệu Trường Liên cấp Mầm non – Tiểu học – THCS Capitole cho biết, đã tuân thủ và chấp nhận hình thức xử phạt theo quy định.
“Xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh đi làm không ai trông con nhỏ, học sinh sau khi nghỉ dịch phải đi chữa tâm lí/ sa sút học tập, giáo viên phải bỏ nghề do không có thu nhập nên chúng tôi mới dám liều mình mở cửa đón học sinh.
Chúng tôi nhận sai và chịu mọi hình thức xử phạt nhưng “cực chẳng đã mới phải vậy”.