Bí ẩn 'thung lũng ngủ' ở Kazakhstan

Kể từ 4 năm qua, 1/4 số dân làng Kalachi ở Kazakhstan, nằm cách biên giới với nước Nga hơn 400km, chìm vào giấc ngủ lạ lùng giống như hôn mê sâu mà không hề có triệu chứng gì báo trước cho nên kể từ đó khu vực này được gọi là "Thung lũng ngủ".

Nhưng hiện nay, dân làng - chỉ còn lại 381 người - vướng phải những chứng bệnh đáng sợ như chứng đau đầu dữ dội và mất trí nhớ.

Người lớn hành động dị thường, trẻ con mê sảng

Phụ nữ địa phương cho biết sau khi thức tỉnh khỏi giấc ngủ sâu kỳ lạ thường kéo dài từ 12 giờ đến 6 ngày, những ông chồng của họ đột nhiên đòi quan hệ tình dục ngay lúc đó và sự thèm khát bất ngờ này kéo dài ít nhất 1 tháng! Thậm chí, họ còn có những lời lẽ quát mắng hết sức thô tục.

Bí ẩn 'thung lũng ngủ' ở Kazakhstan ảnh 1

Nạn nhân Almaz, 10 tuổi, bị bệnh ngủ tấn công 2 lần và mẹ cậu bé tin rằng hậu quả để lại sẽ còn kéo dài.

Ví dụ, một người đàn ông (vốn có tiếng là cực kỳ lịch sự) sau khi thức dậy bỗng nhiên quát mắng các nữ y tá là "gái điếm". Một người đàn ông khác, sau khi hồi tỉnh đã nhảy vội xuống giường và đưa tay chào theo kiểu Đức Quốc xã với tiếng hô "Heil Hitler" với các bác sĩ. Có một cụ già 60 tuổi tỉnh dậy tưởng mình là con gà trống nên vỗ hai tay mà gáy! Một số người khác cảm thấy mình là xác sống.

Nhiều người nài nỉ các bác sĩ cho họ đi bộ và một người đàn ông chỉ muốn mặc tã lót của bệnh viện. Trẻ con thì lên cơn mê sảng và nói nhìn thấy quái vật hay con mắt to tướng trên trán của mẹ chúng. Cậu bé 13 tuổi tên là Misha Plyukhin nhìn thấy nhiều bóng đèn và con ngựa bay xung quanh mình.

Bí ẩn 'thung lũng ngủ' ở Kazakhstan ảnh 2

Ngôi làng Kalachi ngày càng hoang vắng vì ngày càng có thêm nhiều người muốn rời bỏ nó.

Đối với bậc cha mẹ thì hiện tượng quái dị quả là gánh nặng đau buồn. Lyubov Rabchevskaya thừa nhận chị "rất kinh hãi" đứa con trai Almaz 10 tuổi của mình. Người mẹ 28 tuổi kể: "Tôi vẫn còn rùng mình  về giấc ngủ của con. Thường thì nó dậy lúc 7 giờ sáng. Nhưng hôm đó mãi đến 10 giờ mà nó vẫn còn ngủ vùi. Ban đầu tôi cứ tưởng con bị bệnh nên tốt hơn để cho nó ngủ. Nhưng khi lay con mãi mà nó vẫn không thức. Thật là đáng sợ khi con của bạn bất ngờ rơi vào giấc ngủ giống như trạng thái hôn mê. Khi thức dậy, nó giống như những đứa bé đau ốm, khóc thét không có nguyên do. Con tôi khi tỉnh dậy không thể bước xuống giường vì đôi chân quá yếu. Làm sao mà người mẹ có thể bình tâm trước hiện tượng quái gở như thế xảy đến với con mình.

Một số báo cáo y khoa khẳng định sức khỏe không bị tác động xấu sau khi những người mắc bệnh ngủ thức dậy. Nhưng, hoàn toàn sai. Bé Almaz vốn khỏe mạnh trước khi rơi vào giấc ngủ sâu, nhưng khi tỉnh dậy nó không còn năng động như xưa nữa".

Quá lo sợ cho con, chị Lyubov không còn muốn ở lại ngôi làng Kalachi "bị nguyền rủa" nữa. Nhiều người khác cũng kéo nhau rời khỏi Kalachi như Lyubov.

Bí ẩn 'thung lũng ngủ' ở Kazakhstan ảnh 3

Những đứa trẻ mắc bệnh ngủ được theo dõi điều trị tại bệnh viện địa phương.

Nằm cách ngôi làng Kalachi chừng vài trăm mét là thị trấn nhỏ Krasnogorsk, nơi từng sản xuất quặng uranium cho chương trình vũ khí hạt nhân của Liên Xô cũ. Krasnogorsk có dân số 6.000 người nhưng bây giờ chỉ còn số ít sống tại đây. Một điều kỳ lạ là, họ không hề mắc phải bệnh ngủ kỳ bí như ở ngôi làng Kalachi kế bên! Người ta cho rằng sự rò rỉ khí phóng xạ radon từ các mỏ uranium cũ ở Krasnogorsk là căn nguyên của bệnh ngủ bí ẩn, song điều này vẫn còn chưa chắc lắm.

Daria Kravchuk, 27 tuổi, nói: "Người dân rất sợ hãi trước những gì đang diễn ra, và sức ép của quyết định ở lại là không thể chịu đựng nổi. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải ở lại vì chẳng biết đi đâu. Ít nhất là ở đây chúng tôi còn có trường học tốt, nhà đẹp và tiền lương cao. Có nhiều lời đồn đại về mỏ vàng được phát hiện ở đây và người ta đang muốn khai thác nó. Một số người trong chúng tôi nghi ngờ bệnh ngủ bí ẩn và mỏ vàng có mối liên quan với nhau".

Lyubov cho rằng: "Chúng tôi bắt đầu nghĩ đến sự việc có người muốn đầu độc để buộc chúng tôi rời khỏi địa phương".

Bí ẩn 'thung lũng ngủ' ở Kazakhstan ảnh 4

Thành phố ma Krasnogorsj.

Alexander Remezov, 70 tuổi, từng làm việc ở mỏ uranium thời Liên Xô cũ nói rằng: "Tôi không tin bệnh ngủ do các mỏ uranium gây ra. Tôi lo ngại có sự phá hoại và chúng tôi đang bị thí nghiệm. Tôi nghĩ cần có cuộc điều tra về giả thuyết này.  Lấy ví dụ vào năm 2014, dân làng mắc bệnh ngủ hàng loạt với khoảng 30 người mỗi tháng. Nhưng, bây giờ chúng tôi có được vài tháng yên bình. Tại sao lại như thế?".

Một người dân nói: "Những người mắc bệnh ngủ bí ẩn thường hung hăng do đó họ luôn được cột chặt xuống giường bởi vì họ hay cố gắng tấn công bác sĩ, y tá và các bệnh nhân khác. Có những lúc bệnh nhân bị nôn mửa, nấc cục liên tục. Điều này khiến cho một số người nghi ngờ có một loại thuốc đang được bí mật thử nghiệm. Số khác cho rằng vũ khí hóa học hay phóng xạ thời Liên Xô cũ được chôn ở đây đã đầu độc chúng tôi".

Khoa học vẫn chưa có lời giải

Bác sĩ Kabdrashit Almagambetov ở làng Kalachi cũng hết sức bối rối trước những gì đang xảy ra ở địa phương: "Vấn đề còn tùy thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cũng như những căn bệnh mạn tính khác mà họ mắc phải. Ví dụ, phản ứng của trẻ em rất khác với người lớn. Não bộ trẻ em chưa được phát triển hoàn chỉnh như người lớn cho nên khó chịu đựng được bệnh tật và có ảo giác rất mạnh. Nói thẳng ra, nguyên do gây bệnh ngủ vẫn còn mơ hồ mặc dù đã có nhiều tổ chức đến đây làm việc. Vấn đề phóng xạ có thể được loại trừ, bởi vì thực phẩm mà người dân sử dụng đều đã qua kiểm tra, nguồn nước cũng được xét nghiệm. Không có gì gây hại ở làng Kalachi.

Sự thật là, một vài người đến từ thị trấn Krasnogorsk cũng mắc bệnh ngủ - nhưng chỉ sau khi họ đến làng Kalachi. Nhưng, hiệu quả phụ lạ lùng chỉ được ghi nhận duy nhất ở làng Kalachi. Tôi không dám chắc về giả thuyết khí phóng xạ radon bởi vì nơi đây cần có dữ liệu khoa học. Mặc dù không là chuyên gia về lĩnh vực này, nhưng tôi nghi ngờ giả thuyết này bởi vì chúng ta có nhiều mỏ uranium đã đóng cửa trong khi chỉ có làng Kalachi bị vướng phải bệnh ngủ quái ác". Bác sĩ Kabdrashit Almagambetov cũng nhấn mạnh rằng không có bằng chứng về âm mưu đầu độc.

Bí ẩn 'thung lũng ngủ' ở Kazakhstan ảnh 5

Đội chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Kazakhstan thu thập các mẫu ở làng Kalachi.

Các nhà khoa học từ Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Kazakhstan cũng đã đến làng Kalachi tiến hành một số cuộc khảo sát. Họ khoan nhiều lỗ để lấy mẫu đất, nước và khí đồng thời xét nghiệm khí phóng xạ radon. Một nhà khoa học từ chối tiết lộ danh tính lên tiếng: "Có nhiều lời xì xầm về chúng tôi từ dân địa phương - một số bảo chúng tôi tìm kiếm mỏ vàng, số khác cho rằng chúng tôi tìm thấy nguồn nước tinh khiết trong khi thực tế là chúng tôi đến làng Kalachi chỉ để khoan và lấy các mẫu để nghiên cứu. Mỗi buổi tối, chúng tôi họp lại với nhau để bàn luận về nguyên do gây ra bệnh ngủ. Chúng tôi có các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cho nên mỗi người đều cố đưa ra giả thuyết để tìm ra nguyên nhân".

Bí ẩn 'thung lũng ngủ' ở Kazakhstan ảnh 6

Bảng cảnh báo phóng xạ cấm người dân đến gần các khu mỏ uranium.

Cách đây một năm, các nhóm nhà khoa học đầu tiên xuất hiện tại làng Kalachi và chỉ từ tháng 4/2014, họ mới bắt đầu thường xuyên làm việc ở đây. Nhiều chuyên gia từng làm việc tại bãi thử nghiệm hạt nhân của Liên Xô ở Semipalatinsk miền Bắc Kazakhstan. Tuy nhiên, người dân địa phương tỏ ý nghi ngờ khi không có một nhà khoa học nào bị bệnh ngủ bí ẩn tấn công? Một số người tin rằng phóng xạ phát ra từ những vết nứt trên mặt đất chính là căn nguyên.

Nhà khoa học này nói tiếp: "Năm 2014, các đồng nghiệp của chúng tôi đi đến từng ngôi nhà trong làng, thu thập mọi chỉ số phóng xạ cũng như thông tin về những người mắc bệnh và những người không mắc bệnh để biết họ mắc bệnh khi nào và như thế nào, bước vào những con đường mà mọi người đều phải đi qua để vào làng". Một số căn nhà có chỉ số khí phóng xạ radon cao hơn nhưng không bị bệnh ngủ tấn công. Trong khi đó, một số căn nhà khác có chỉ số khí phòng xạ thấp hơn lại bị bệnh ngủ. Hiện nay, mặc dù mọi kiểm tra đều được thực hiện đầy đủ nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm được lời giải cho căn bệnh ngủ quái ác.

Bà Olga Polezhayeva, 47 tuổi, kỹ sư  của Viện Thí nghiệm sinh thái Kazakh Stan cho biết: "Chúng tôi bắt đầu làm việc tại làng Kalachi từ tháng 12/2013. Mỗi tháng, chúng tôi có mặt ở đây 10 ngày để thu thập các mẫu nitrogen oxide, nitrogen dioxide, formaldehyde, sulphur, ammonia, carbon monoxide, hydrocarbon. Chúng tôi lấy mẫu đều đặn vào mỗi buổi sáng. Nhưng, mọi kết quả đều bình thường. Lần đầu tiên khi đến ngôi làng, chúng tôi sợ hãi đến mức không dám đụng chạm vào bất cứ thứ gì, và gần như không dám thở mạnh. Bởi khi không biết cái gì có thể tấn công mình thì đương nhiên người ta sẽ cảm thấy lúng túng. Chúng tôi mang theo nước uống và thức ăn riêng, nhưng còn không khí thì sao đây? Tôi nhìn thấy người dân địa phương đã quá mệt mỏi vì chưa tìm được căn nguyên của bệnh ngủ".

Nhà khoa học Nga Leonid Rikhvanov, giáo sư Đại học Bách khoa Tomsk, cho rằng ông biết căn nguyên bệnh ngủ mặc dù không được chính quyền Kazakhstan mời đến ngôi làng Kalachi. Ông khẳng định: "Khi các mỏ uranium bị bỏ hoang, nước sẽ lắp đầy chúng. Khí radon cùng với các khí trơ khác sinh ra do phân rã uranium và  phát tán lên mặt đất qua những vết nứt". Tuy nhiên, thực tế là bệnh ngủ không xuất hiện gần những mỏ uranium bỏ hoang.

Sergei Lukashenko, Giám đốc Viện Sinh thái và An toàn phóng xạ trực thuộc Trung tâm Hạt nhân Quốc gia Kazakhstan, phát biểu: "Tôi khẳng định nguyên do không phải khí radon. Carbon monoxide chắc chắn là một yếu tố nhưng tôi không nói chắc đây có phải là yếu tố chính và quan trọng hay không. Độ tập trung carbon monoxide tối đa cho phép ở Kazakhstan là 5mg/m3, trong khi độ tập trung carbon monoxide tại những ngôi nhà có người mắc bệnh ngủ là cao hơn 10 lần. Do đó, yếu tố này rất đáng nghi ngờ".

Dân làng Karia Kravchuk nói: "Thật là đáng sợ khi căn bệnh lan tràn mà không có bất cứ lời giải thích nào. Đã 4 năm trôi qua kể từ khi trường hợp bệnh ngủ đầu tiên được ghi nhận. Các mẫu y tế bị mất liên miên và đôi khi người ta phải trở lại bệnh viện 2 - 3 lần để làm lại các xét nghiệm cũ. Tôi không tin chúng tôi sẽ được biết điều gì. Họ chẳng bao giờ giải thích".

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG