Theo các chuyên gia, chiếc máy bay không người lái của Trung Quốc có tên gọi là Ẩn Kiếm đã được đưa vào sản xuất từ năm 2006 và công bố tại Triển lãm hàng không Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Rồi nó đột nhiên biến mất. Sau đó, mô hình chiếc Ẩn Kiếm tiếp tục xuất hiện tại Triển lãm Hàng không Paris. Và kể từ đó nó biến mất luôn, không xuất hiện nữa.
Có nhiều ý kiến xung quanh chiếc máy bay không người lái này. Thứ nhất, dự án sản xuất chiếc Ẩn Kiếm đã dừng lại do không đủ kinh phí hay do các lý do khác. Còn những ý kiến khác thì cho rằng dự án sản xuất chiếc máy bay vẫn được tiến hành một cách bí mật và đang được nghiên cứu, thử nghiệm thêm.
Gần đây, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) bỗng nhiên đưa tin về chiếc máy bay không người lái mang tên Ẩn Kiếm khiến dư luận xôn xao.
Giới chuyên gia Trung Quốc rất tự hào khi tuyên bố rằng nếu dự án này thành công, chiếc Ẩn Kiếm của Trung Quốc sẽ trở thành chiếc máy bay không người lái siêu thanh đầu tiên của thế giới. Theo tin tức trên CCTV, chiếc Ẩn Kiếm không chỉ là loại máy bay không người lái siêu thanh mà còn có khả năng tàng hình. Tính năng quan trọng nhất của nó là bay nhanh, đối phương khó quan sát, được điều khiển từ xa để đột nhập theo dõi đối phương một cách bất ngờ.
Ngoài Trung Quốc, Anh cũng đang sản xuất loại máy bay không người lái siêu thanh. Tháng 8/2014, Hãng sản xuất vũ khí quốc phòng BAE Systems của nước này đã thử nghiệm chiếc máy bay không người lái thế hệ mới và thành công "vượt ngoài mọi mong đợi".
Với kinh phí 185 triệu bảng Anh, chiếc máy bay không người lái mới này là sản phẩm được Hãng BAE Systems kỳ vọng sẽ trở thành vũ khí tiên phong trong thế kỷ XXI, được đặt tên là Taranis, là tên vị thần sấm trong truyền thuyết Celtic cổ đại. Nó được thiết kế bay nhanh hơn tốc độ âm thanh và cũng có khả năng tàng hình, tránh sự phát hiện của rađa đối phương. Chiếc máy bay được trang bị hệ thống máy vi tính cài đặt sẵn, được lập trình đường bay cố định, có khả năng tự động tránh né các mối đe dọa và tìm kiếm mục tiêu trên mặt đất
Hãng BAE Systems cho biết, Taranis là chiếc máy bay lớn nhất và tiên tiến nhất, là sản phẩm kỳ công được các kỹ sư của 250 công ty hợp tác chế tạo. Hãng này cho rằng, công nghệ tiên tiến của chiếc Taranis sẽ mở ra nhiều khả năng cho quân đội trong tương lai, cho phép quân đội Anh thực hiện các cuộc tấn công khắp thế giới từ trên lãnh thổ Anh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo việc sản xuất các máy bay không người lái siêu thanh cũng đặt ra nhiều vấn đề về tính rủi ro, nguy hiểm của loại vũ khí công nghệ, vượt ngoài tầm kiểm soát của con người. Người ta cảnh báo rằng, việc đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất máy bay không người lái sẽ tạo ra những đội quân có khả năng chiến đấu tự động như người máy mà con người không thể kiểm soát, dẫn đến mối họa là các thiết bị tự động quay lại tấn công con người.
Bất chấp những quan ngại đó, Bộ Quốc phòng Anh vẫn tin tưởng rằng việc sản xuất máy bay không người lái thế hệ mới, tự động hóa cao hơn, bay nhanh hơn và có khả năng sát thương cao sẽ giúp ích cho việc trang bị vũ khí cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Quân đội Anh tham gia cuộc chiến tại Afghanistan đã từng sử dụng thành công máy bay không người lái để tấn công các phần tử Taliban.
Còn hiện tại, Thủ tướng Anh David Cameron đang hy vọng chiếc Taranis sẽ là vũ khí hiện đại nhất được sử dụng trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria. Riêng đối với Trung Quốc, chiếc Ẩn Kiếm vẫn đang trong vòng bí mật khiến dư luận phỏng đoán rằng Bắc Kinh đang muốn tạo ra sản phẩm tiên tiến tương tự như họ đã từng sản xuất máy bay tàng hình.