Ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, khi hành hương lễ Phật chùa Báo Quốc (phường Phường Đúc, TP. Huế), nhiều du khách rẽ vào một lối nhỏ chạy vòng dưới chân núi Bình An Sơn để dâng hương, cầu nguyện tại một ngôi miếu thờ nhỏ. |
Cạnh đó có một giếng nước xưa cũ gắn hình tượng rồng đắp nổi uy nghi áp vào mặt ngoài thành giếng. |
Từ bao đời nay, dân địa phương gọi đó là giếng Hàm Long. Được biết, chiếc giếng cổ này gắn với những huyền tích liên quan triều Nguyễn và lịch sử khai sơn Báo Quốc tự. |
Theo thông tin được chia sẻ từ một vị sư chùa Báo Quốc, quanh giếng Hàm Long có nhiều câu chuyện được truyền qua nhiều đời khiến chiếc giếng cổ càng thêm linh thiêng, kỳ bí. Trong đó, các câu chuyện được ra đời gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của nhà Nguyễn. |
Thời ấy, khi chúa Nguyễn vào Thuận Hóa khai mở bờ cõi, vùng đất này ẩn chứa nhiều điều thần bí và còn hoang sơ, ít người qua lại. Một hôm, khi chúa Nguyễn vào Phú Xuân định đô, ông nằm ngủ không yên vì có một con rồng lớn hô mưa gọi gió, mây mưa vần vũ. |
Nhận thấy đây là điều không tốt cho cuộc sống của nhân dân, chúa Nguyễn sai người đi tìm hiểu và phát hiện tại ngọn núi nơi chùa Báo Quốc tọa lạc có mạch nước ngầm phun trào tươi mát. Tại đây, chúa Nguyễn sai người đào giếng để khơi thông long mạch, vận vào giấc mơ gặp rồng lớn để đặt tên Hàm Long. |
Còn theo thông tin ghi trên tấm bia đá mô tả về giếng Hàm Long đặt cạnh bên, giếng có tên chữ Hán là Hàm Long tĩnh. Theo bộ Hàm Long Sơn chí: “Giếng xuất hiện cùng thời với khai sơn chùa Báo Quốc khoảng năm 1674”. |
Đáy giếng có đá như hàm rồng, nước trong đá tuôn ra mát lạnh, có vị ngọt nên ngạn ngữ có câu: “Giếng Hàm Long trong lại ngọt. Anh thương em rày có Bụt chứng tri”. Theo Đại Nam nhất thống chí: “Buổi đầu khai quốc, các quan lại triều đình thường lấy nước giếng này để vua dùng nên có tên là giếng Cấm”. |
Còn theo một truyền thuyết khác, giếng Hàm Long gắn với chùa Báo Quốc được xây dựng từ thế kỷ XVII. Một hôm, Thiền sư Giác Phong khát nước bèn đào một cái giếng ở dưới chân núi. Lúc bắt đầu đào được ba nhát đất thì có mạch nước trong vắt phun lên tựa như miệng rồng. Dòng nước ngon ngọt và mát lạnh, rửa mặt xong tạo cảm thấy khoan khoái, tràn đầy sinh lực. Từ đó về sau, giếng nước được đặt tên là Hàm Long tĩnh. |
Đến nay, theo ghi nhận thực tế, giếng Hàm Long vẫn được người dân múc về dùng. Trên vành giếng bố trí lưới thép đậy chống rác bẩn và giới hạn an toàn đối với trẻ nhỏ, có đặt sẵn gàu múc nước. |
Ngày nay, vào mỗi dịp lễ Tết, khi hành hương lễ Phật chùa Báo Quốc, người dân xứ Huế và du khách thập phương vẫn thường ghé qua giếng Hàm Long để dâng hương cầu may mắn, sức khỏe, bình an. |