Bệnh Whitmore dễ bị chẩn đoán nhầm

TP - Thời gian qua các bệnh viện tiếp nhận một số ca bệnh Whitmore. Đây là bệnh ít gặp, lây qua các vết xây xước khi có tiếp xúc với bùn đất, nước bị ô nhiễm, lây nhiễm qua thực phẩm hoặc không khí.

PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, mới đây các bác sĩ cũng vừa điều trị cho bệnh nhi 11 tháng tuổi mắc phải căn bệnh Whitmore. Sau gần một tháng điều trị, tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sức khỏe của bệnh nhân ổn định và được xuất viện. Gần đây nhất BV Bạch Mai cũng tiếp nhận bệnh nhân nam giới, 50 tuổi ở Hải Dương nhập viện trong tình trạng sốt kéo dài từng cơn và thường sốt về chiều, đau tức ngực trái, khó thở, kém ăn và mệt mỏi. TS Đỗ Duy Cường, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân còn có ổ áp xe ở mặt trước xương cẳng chân trái. Xét nghiệm công thức máu bệnh nhân số lượng bạch cầu tăng cao, chụp X-quang phổi thấy tổn thương phổi lan tỏa 2 bên, áp xe phổi nhiều ổ kèm tràn dịch màng phổi. Sau 10 ngày nhập viện, kết quả cấy máu dương tính với vi khuẩn B. pseudomalei. Bệnh nhân đã được tiêm kháng sinh theo phác đồ điều trị bệnh Whitmore. Sau gần một tháng điều trị, bệnh nhân hết sốt và không còn dấu hiệu bệnh. Bệnh nhân ra viện và tiếp tục điều trị kháng sinh theo toa thuốc của bác sĩ.

Bệnh Whitmore dễ bị chẩn đoán nhầm ảnh 1

Bệnh nhân 11 tháng sau 3 tuần điều trị đã hồi phục dần sức khỏe.

Thống kê cho thấy, trong 3 năm qua trung bình mỗi năm tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư có khoảng 10 ca được xác định là mắc bệnh Whitmore, trong đó trẻ em chiếm 2-3 ca. PGS.TS Bùi Vũ Huy cho hay, bệnh nhiễm khuẩn Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Ở trẻ em thường có triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng nhiễm độc và biểu hiện sưng tuyến mang tai thường gặp hơn các triệu chứng khác. Những bệnh nhân được phát hiện tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư đều có bằng chứng nhiễm khuẩn huyết. Ở người lớn bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm phổi, viêm da, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng huyết. Tuy nhiên TS Huy cũng nhận định, người khỏe mạnh hiếm khi mắc bệnh này. Đối tượng dễ bị vi khuẩn tấn công thường là người già yếu, người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, viêm gan mạn, người nhiễm HIV... Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có độc tính cao hơn một số vi khuẩn khác, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kháng sinh phù hợp. Nếu người khỏe mạnh không may mắc phải, được phát hiện điều trị hợp lý sẽ điều trị khỏi, không để lại di chứng. Nhưng nếu bệnh rơi vào những người già, yếu, miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính thì sẽ có nhiều nguy cơ hơn, diễn tiến phức tạp hơn, khó chữa hơn.

Chưa có vắc-xin phòng bệnh

TS Cường cho biết, do bệnh cảnh lâm sàng của bệnh Whitmore đa dạng nên bác sĩ thường chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… Bệnh dễ tái phát, sức khỏe của bệnh nhân rất dễ suy kiệt do bệnh tái đi tái lại hoặc nếu điều trị không đúng phác đồ. Bệnh phải mất nhiều thời gian và tốn kém nên không ít bệnh nhân không có đủ khả năng để theo điều trị đến cùng khiến thất bại điều trị và tử vong. Hiện bệnh Whitmore vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Các chuyên gia truyền nhiễm khuyến cáo, đây là  bệnh nhiễm trùng cơ hội, không dễ mắc, ít gặp ở người có sức khỏe bình thường. Bệnh không dễ dàng lây lan, không trực tiếp lây từ người qua người. Để phòng bệnh, nên giữ gìn vệ sinh thân thể, chăm sóc sức khỏe. Nếu cơ thể bị trầy xước, cần xử lý cẩn thận vết thương. Ở những người già yếu, có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch cần tránh tiếp xúc với môi trường mất vệ sinh, hạn chế tiếp xúc bùn đất, nguồn nước bị ô nhiễm. Khi cơ thể có dấu hiệu không khỏe nên đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.

Do bệnh cảnh lâm sàng của bệnh Whitmore đa dạng nên bác sĩ thường chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…

MỚI - NÓNG