Bệnh viện vệ tinh an tâm cho người bệnh tuyến dưới

Khoa Nhi vệ tinh bệnh viện quận Bình Tân đã góp phần tích cực cho việc giảm tải tại bệnh viện Nhi Đồng 1.
Khoa Nhi vệ tinh bệnh viện quận Bình Tân đã góp phần tích cực cho việc giảm tải tại bệnh viện Nhi Đồng 1.
Nhiều kỹ thuật cao thuộc 5 chuyên ngành: ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi được chuyển giao cho bệnh viện vệ tinh làm chủ đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế kỹ thuật chất lượng ngay tại tuyến dưới. Đồng thời góp phần làm giảm tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên... Đây là những kết quả nổi bật về tăng cường thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, giảm quá tải bệnh viện.

Lợi đủ đường

Bệnh nhân Trương Quang Thọ (58 tuổi, ở xã Quảng Đạt, huyện Thanh Ba, Phú Thọ) bị ung thư đại tràng di căn, xâm lấn bàng quang khiến sức khỏe rất xấu. 


Với thể trạng và tình hình sức khỏe như của bệnh nhân Thọ đáng lẽ phải chuyển lên tuyến trên để can thiệp nhưng vì là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện K trung ương nên qua hội chẩn trực tuyến với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Phú Thọ đã không quá khó khăn để xử lý thành công ca phẫu thuật cắt khối u lớn cho bệnh nhân. Đồng thời truyền hóa chất và xạ trị để hạn chế sự phát triển của khối u, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe, cũng như giảm bớt tốn kém, khó khăn vất vả cho bệnh nhân và gia đình khi không phải chuyển lên tuyến trên. 

TS Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Thọ vui mừng cho biết, sau khi trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, được chuyển giao nhiều kỹ thuật mới, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ đã triển khai thực hiện được 100% các dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện hạng I và trên 46% các dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện hạng đặc biệt. Hơn nữa do được các bệnh viện đầu ngành chuyển giao nhiều kỹ thuật cao nên đến nay, lượng bệnh nhân đến khám điều trị ngày một đông và tỷ lệ chuyển tuyến liên tục giảm. 

Nếu như trước đây khi chưa là bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện lớn trên, số bệnh nhân tới khám chỉ khoảng 250 người/ngày thì hiện nay đã lên hơn 1.000 bệnh nhân/ngày và thường xuyên có 1.400 bệnh nhân nội trú. Đặc biệt, số bệnh nhân phải chuyển tuyến trên giảm đáng kể, trong đó chuyên ngành ngoại khoa số lượt người bệnh chuyển về tuyến trung ương giảm từ 60% xuống còn 0,9%, tim mạch từ 40% xuống 0,9% và ung bướu từ 60% còn 1,2%.

Trong khi đó, cũng là một trong những bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E và Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa đang có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực tim mạch và ung bướu. Bác sĩ Trần Văn Lượng, Giám đốc bệnh viện cho biết hiện nay các kỹ thuật cao về tim mạch như: phẫu thuật tim, phổi hở, gây mê, hồi sức bệnh nhân phẫu thuật tim phổi, phẫu thuật tim hở vá thông liên nhĩ, siêu âm tim, mạch máu... đều được bệnh viện triển khai hiệu quả.

“Phủ sóng” bệnh viện vệ tinh 100% tỉnh thành

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thực hiện Đề án giảm quá tải giai đoạn năm 2013-2020, trong 2 năm qua Bộ Y tế đã tổ chức triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh với 14 bệnh viện hạt nhân là những bệnh viện trung ương đầu ngành ở Hà Nội và TPHCM như: Việt Đức, Bạch Mai, E, Phụ sản trung ương, Nhi trung ương, K trung ương, đa khoa trung ương Huế; Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, Nhân dân Gia Định, Từ Dũ, Nhi Đồng 1 và 2... đã tổ chức chuyển giao, hỗ trợ các kỹ thuật cao chuyên sâu thuộc 5 chuyên ngành là: ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi cho 48 bệnh viện vệ tinh ở 38 tỉnh thành phố. Trong đó tại khu vực phía Bắc đã có 21/28 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội. 

“Thực tế có nhiều trường hợp cấp cứu, nếu di chuyển xa, bệnh nhân có thể tử vong ngay trên đường đi nhưng nếu được cấp cứu điều trị ở tuyến dưới, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống. Hơn nữa, khi tuyến dưới thực hiện được các kỹ thuật cao thì sẽ giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, đồng thời đỡ gánh nặng ăn ở, đi lại cho bệnh nhân...”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sau hai năm thực hiện, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã làm chủ được các kỹ thuật y học chuyên sâu, hiện đại do bệnh viện hạt nhân chuyển giao, thiết thực giúp người bệnh, nhất là người nghèo được tiếp cận và được sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới. 

Hơn nữa, nhiều kỹ thuật cao trước chỉ làm tại các bệnh viện tuyến trung ương như: mổ máu tụ trong não, mổ chấn thương sọ não, thay khớp háng toàn phần với chi phí hàng trăm triệu đồng… thì nay nhiều bệnh viện địa phương đã thực hiện thành thường quy  mang lại lợi ích to lớn cho người bệnh khi được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao mang "thương hiệu" của bệnh viện trung ương ngay tại cơ sở. 

Quan trọng hơn, nhờ việc triển khai tốt các kỹ thuật được chuyển giao từ bệnh viện hạt nhân, tỷ lệ chuyển tuyến của các bệnh viện vệ tinh đã giảm rõ rệt, thống kê có tới 37,5% số bệnh viện vệ tinh đã có tỷ lệ chuyển tuyến giảm.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, trước những kết quả đạt được ban đầu của Đề án bệnh viện vệ tinh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh ra tất cả tỉnh thành phố trực thuộc trung ương với mục tiêu đến năm 2016, tất cả 100% các tỉnh thành trong cả nước phải thực hiện bệnh viện vệ tinh.

Để thực hiện chỉ đạo này, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất của bệnh viện hạt nhân, bố trí đủ chuyên gia, cán bộ y tế có đủ năng lực để thực hiện tốt việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện đầu tư phát triển bệnh viện phù hợp với quy hoạch mạng lưới y tế địa phương nhằm đạt mục tiêu giảm quá tải bệnh viện.

MỚI - NÓNG