Bệnh viện “khởi công hụt”, người bệnh nằm hành lang

Bệnh nhân ung thư vẫn nằm gầm giường, hành lang trị bệnh.
Bệnh nhân ung thư vẫn nằm gầm giường, hành lang trị bệnh.
TP - Sau hai lần lên lịch khởi công Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 ở quận 9 để giảm tải cho bệnh viện chính ở quận Bình Thạnh nhưng “lỗi hẹn”. Lần này lễ khởi công dự kiến diễn ra ngày 2/4 nhưng lại bị hủy bỏ dù đã phát thư mời quan khách. Lãnh đạo TPHCM phải gửi thư xin lỗi Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế về sự cố này.

Sau 2 lần lỗi hẹn động thổ xây dựng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 ở ấp Cây Dầu, quận 9 vào tháng 4 và tháng 9/2015, đầu tháng 4 này người dân hy vọng bệnh viện sẽ sớm được khởi công sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, nhưng một lần nữa việc khởi công lại bị hoãn. Dự án có diện tích 5,5 ha, hơn 1.000 giường vẫn bốn bề quây tôn, bên trong cỏ mọc um tùm. Hình ảnh này, trái ngược với cảnh bệnh nhân ung thư đang chen chúc nằm ở hành lang và gầm giường của Bệnh viện Ung bướu TPHCM ở cơ sở quận Bình Thạnh.

Lùm xùm          

Ngày 24/4, chủ đầu tư dự án là Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế TPHCM, cho biết vẫn chưa biết ngày nào động thổ vì UBND TPHCM chưa kết luận một số kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu của liên danh nhà thầu Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1) - VINACONEX. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị xây dựng thuộc dự án Đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM” (gọi tắt là gói thầu) được công bố từ tháng 3/2016. 

Chủ đầu tư tưởng rằng mọi chuyện thuận chèo mát mái để sớm động thổ dự án thì vấp phải kiến nghị của liên danh CC1-VINACONEX. Bởi sau khi công khai phát hành hồ sơ mời thầu, ngày 14/3/2016, chủ đầu tư thông báo liên danh CC1-VINACONEX bị loại do không đáp ứng yêu cầu. Ông Lê Hữu Việt Đức, đại diện hợp pháp của liên danh nhà thầu gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo thành phố, cho rằng chủ đầu tư “thiếu khách quan” khi lựa chọn nhà thầu.

Nội dung đơn cho rằng, gói thầu có giá trị khoảng 2.100 tỷ đồng thì mức doanh thu bình quân hàng năm của đơn vị tham gia dự thầu phải tối thiểu 2.800 tỷ đồng. “Yêu cầu của hồ sơ mời thầu chỉ 2.100 tỷ đồng là thấp hơn so với quy định”, văn bản kiến nghị trình bày.

 Ngoài ra, theo liên danh nhà thầu CC1-VINACONEX, việc đưa ra tiêu chí kinh nghiệm cụ thể trong quản lý và thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự về quy mô công việc lại quá cao so với quy định. Đó là chưa kể, dự án là công trình y tế cấp I nhưng hồ sơ mời thầu chỉ yêu cầu là công trình dân dụng… là chưa theo đúng bản chất công trình y tế.

Không “ăn” được thì đạp đổ?

Trước những kiến nghị của liên danh nhà thầu CC1-VINACONEX, trả lời Tiền Phong ngày 24/4, ông Huỳnh Văn Biết - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đồng thời là Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình, khẳng định việc xây dựng tiêu chí, mở thầu công khai và lựa chọn nhà thầu là đúng quy trình. Các hồ sơ từ hội đồng thẩm định cũng cho thấy hội đồng xem xét các yếu tố kỹ thuật hồ sơ dự thầu của từng đơn vị. Trong đó, liên danh nhà thầu CC1-VINACONEX đã không đáp ứng các tiêu chí đề ra.

“Trong quá trình mời thầu, chủ đầu tư có họp tiền đấu thầu nhằm giải thích, làm rõ các vấn đề và trả lời các thắc mắc liên quan nhưng liên danh nhà thầu CC1-VINACONEX không có ý kiến hoặc yêu cầu gì. Đến khi mọi chuyện đã xong thì họ lại quay lại kiến nghị những vấn đề không đúng khiến dự án phải hoãn khởi công”.

Ông Huỳnh Văn Biết

Dẫn chứng từ chủ đầu tư cho thấy yêu cầu của hồ sơ mời thầu là nhà thầu phải được một tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cam kết với chủ đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện tín dụng và đảm bảo cung cấp tín dụng dành riêng cho việc thực hiện gói thầu với hạn mức tối thiểu bằng 157,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Biết, CC1 có thư cam kết thu xếp tài chính do Ngân hàng TMCP SHB- chi nhánh TPHCM phát hành chỉ nêu: 

“Việc xem xét thu xếp tài chính chỉ được thực hiện khi khách hàng đáp ứng đầy đủ các điều kiện tín dụng, điều kiện tài sản bảo đảm theo quy định hiện hành của SHB, của pháp luật với điều kiện SHB thu xếp được nguồn vốn để có thể tài trợ…(!?).  “Nội dung cam kết hoàn toàn không phù hợp, không đáp ứng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu”,  ông Huỳnh Văn Biết nói.   

Ông Biết khẳng định, kinh nghiệm cụ thể trong quản lý và thực hiện hợp đồng xây lắp của liên danh nhà thầu trên chưa phù hợp. Theo chủ đầu tư, hồ sơ mời thầu yêu cầu hợp đồng tương tự được xét trên từng hợp đồng, không phải xét trên tổng các hợp đồng của một công trình. 

Trong khi, liên danh nhà thầu này lại đưa ra 2 hợp đồng ký ở giai đoạn khác nhau của công trình xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng nên không được đánh giá là tương đương 1 hợp đồng.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, dù liên danh nhà thầu CC1-VINACONEX đưa ra 2 công trình dự án là xây dựng ký túc xá sinh viên đại học quốc gia TPHCM và dự án Bệnh viện đa khoa khu vực Xuân Lộc, gộp lại tương đương 1 công trình dân dụng cấp 1 nhưng giá trị đã thực hiện chỉ đạt tương đương 60% giá trị hợp đồng nên không được xem là đã hoàn thành phần lớn theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. 

“Hoàn thành phần lớn nghĩa là hoàn thành ít nhất 80% khối lượng công việc của hợp đồng nên không đúng theo tiêu chí hồ sơ mời thầu”, công văn trả lời kiến nghị của chủ đầu tư ghi rõ.      


MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.