Bệnh viện hết tiền trả lương: Cần đánh giá kỹ, không thể cắt ngay được

Quá nhiều nỗi lo tại BV ĐK Buôn Ma Thuột.
Quá nhiều nỗi lo tại BV ĐK Buôn Ma Thuột.
TP - 'Tìm ra nguyên nhân mới quy trách nhiệm cụ thể (nếu có) được. Tôi ví dụ việc cân đối tài chính, người ta phải trả lương 10 đồng mà khoản thu chỉ bù đắp được 6 đồng thì Nhà nước phải lo hỗ trợ 4 đồng còn lại. Cần phải đánh giá kỹ lại, không thể cắt ngay được". Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với PV Tiền Phong về chuyện 14 bệnh viện ở Đắk Lắk hết tiền trả lương.

Vừa qua tại Đắk Lắk có tới 14 bệnh viện đồng loại hết tiền trả lương do thu không đủ chi. Bà đánh giá gì về thực trạng này?

Thời gian qua nhiều người đã đề cập đến việc tính đúng tính đủ để trả lương. Nhà nước đã giảm phần đầu tư trực tiếp và đầu tư qua bảo hiểm y tế. Khi thực hiện điều này mà giá dịch vụ không được nâng lên, không tính đúng tính đủ thì sẽ rơi vào cảnh thiếu tiền trả lương. Vì thế khi Nhà nước giảm đầu tư trực tiếp thì giá dịch vụ phải được điều chỉnh. 

Ngoài ra lãnh đạo bệnh viện cũng cần phải cân đối nguồn chi. Trong điều kiện nguồn lực có thế thôi thì phải tính toán cân nhắc xem ưu tiên chi cái gì trước. Tất nhiên đầu tiên phải chi cho tiền lương rồi mới đến các khoản khác. Đi làm mà không có tiền lương thì làm sao sống được?

Nâng giá dịch vụ nghĩa là người dân sẽ phải gánh chịu mức phí cao hơn?

Cần phải nói rõ người dân ở đây là người dân nào? Nhiều người cứ hiểu rằng, phí lên thì người dân phải gánh, không phải vậy. Cần phân biệt giữa người có bảo hiểm và người không có. Nếu người nào không mua bảo hiểm thì phải chịu thôi. Những đối tượng nghèo, cận nghèo thì Nhà nước đã lo, nông dân, học sinh, sinh viên, Nhà nước lo một phần… Nếu chúng ta đóng bảo hiểm đầy đủ sẽ không bị ảnh hưởng gì từ nâng giá dịch vụ cả, chỉ tác động tới những người không có bảo hiểm y tế. Vì thế người ta mới đang phát động bảo hiểm y tế toàn dân.

Bệnh viện hết tiền trả lương: Cần đánh giá kỹ, không thể cắt ngay được ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá.

Ngoài nguyên nhân trên, theo bà bệnh viện hết tiền trả lương có nguyên nhân do bệnh viện đó hoạt động kém hiệu quả, tăng viện phí cao dẫn tới ít bệnh nhân?

Nếu nói tăng viện phí cao khiến bệnh nhân ít đi thì không phải. Các bệnh viện vùng đó không thể tăng giá cao, cũng không ai cho phép tăng tùy tiện, vì tăng như thế nào phải do HĐND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở mức sàn của Bộ Y tế. Ở những vùng dân tộc thiểu số, Nhà nước đã lo bảo hiểm rồi, còn bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm hộ gia đình lại không vận động được. Do vậy cần phải xem tỷ lệ tham gia bảo hiểm ở đó bao nhiêu phần trăm.

Bên cạnh đó đối với dịch vụ y tế cũng cần phải xem Nhà nước đầu tư như thế nào? Nếu bệnh viện thiếu nhiều dịch vụ thì người ta sẽ không tham gia. Rồi nhân lực ở đó ra sao? Nếu cán bộ y tế dở quá người ta cũng không đến khám và điều trị mà sẽ đi nơi khác. Phải coi lại tổng thể chứ không thể nói riêng một lý do nào. 

Tìm ra nguyên nhân mới quy trách nhiệm cụ thể (nếu có) được. Tôi ví dụ việc cân đối tài chính, người ta phải trả lương 10 đồng mà khoản thu chỉ bù đắp được 6 đồng thì Nhà nước phải lo hỗ trợ 4 đồng còn lại. Cần phải đánh giá kỹ lại, không thể cắt ngay được. Nhiều bệnh viện xã hội hóa rất cao, ngoài lương ra người ta còn hỗ trợ thêm tiền lương cho nhân viên vài trăm đến vài triệu đồng mỗi tháng. Còn bệnh viện ở vùng sâu vùng xa như vậy rất khó kêu gọi xã hội hóa đầu tư.  

Vậy theo bà, ngành y tế và cơ quan cấp tỉnh cần phải làm gì trước thực trạng này?

UBND tỉnh Đắk Lắk phải khảo sát đánh giá lại xem nguồn thu bảo đảm chưa? Phân bổ ngân sách địa phương cho ngành đủ chưa? Bên cạnh đó cần xem kế hoạch chi ở các bệnh viện đó thế nào? Lương, điện nước, tiền thuốc bắt buộc phải chi trả rồi, nhưng cần xem chi phí đã hợp lý chưa, xem các khoản chi điện, nước, xăng xe… đã tiết kiệm chưa? Nếu cứ chi tiêu thoải mái, tốn bao nhiêu nhà nước chịu thì chẳng ngân sách nào chịu nổi.

Cảm ơn bà.

Bộ Y tế yêu cầu báo cáo vụ 14 bệnh viện thiếu tiền trả lương

Chiều ngày 9/12, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, sau khi nhận được thông tin về việc 14 bệnh viện tại tỉnh Đắk Lắk thiếu tiền trả lương cho bác sĩ, cán bộ, công nhân viên, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk yêu cầu báo cáo rõ tình hình để có hướng xử lý. Trong thời gian 10 ngày, Sở Y tế Đắk Lắk phải gửi báo cáo ra Bộ Y tế. 

Thái Hà

MỚI - NÓNG