Nhưng hôm qua, sau khi qua nhiều tháng khẳng định căn bệnh trên là chứng “viêm lòng bàn tay bàn chân có rối loạn chức năng gan”, các chuyên gia đầu ngành đã cùng nhau thống nhất tên gọi chính thức của bệnh lạ là “hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân”.
Nguyên nhân của căn bệnh dù đã được xác định là do nhiễm độc mãn tính nhưng như vậy vẫn khá chung chung vì chưa xác định được chất độc cụ thể gây ra căn bệnh “không lạ” này.
Điều đáng mừng là tuy chưa xác định được độc chất gây bệnh nhưng ít ra các chuyên gia y tế đã thống nhất được phác đồ điều trị, đồng thời có bổ sung hướng dẫn về điều trị hỗ trợ và các phương pháp chữa trị đã đem lại hiệu quả.
Nhưng nhìn lại hơn một năm qua, thậm chí theo cán bộ địa phương, dấu hiệu của bệnh lạ đã được đề cập đến từ ba năm trước, đã có hàng chục người thiệt mạng oan uổng thì không thể nói đây là thành tích của ngành y tế.
Đã có những thời điểm, người dân gần như mất lòng tin vào những người mặc áo blouse trắng để đến nỗi phải “vái tứ phương”, thậm chí đổ tội cho một loại gạo ủ mà bà con đã ăn từ bao đời nay là nguyên nhân gây bệnh, trong khi hầu như chưa có căn cứ nào để có thể kết luận như vậy.
Đã có những ý kiến cho rằng, nếu không vì lý do nào đó “cản trở”, ngành y tế Việt Nam coi chuyện cứu người làm trọng chứ không phải vì “danh dự, uy tín” mà sớm tham vấn, thậm chí mời chuyên gia nước ngoài vào cuộc thì có lẽ số người chết đã giảm đi.
Và cũng là một trùng hợp ngẫu nhiên: trong khi ở Quảng Ngãi xôn xao vì bệnh lạ thì tại Bến Tre lại có chuyện 12 người ở một ấp cùng bị phát hiện nhiễm HIV.
Xin không bàn về nguyên nhân cụ thể dẫn đến việc lây nhiễm của những người này, vì ai cũng biết hầu hết bệnh nhân chỉ nhiễm qua hai con đường: sinh hoạt tình dục, qua đường máu. (11/12 bệnh nhân là nam giới, đều trong độ tuổi trưởng thành).
Nhưng sư ngẫu nhiên nhiều người tại một đơn vị hành chính được phát hiện bệnh cùng thời điểm lại cho thấy một thực tế công tác phòng bệnh trong nhiều năm qua ở Bến Tre dường như không hiệu quả và nguy cơ bệnh lây lan trong cộng đồng là rất cao.
Bởi qua xét nghiệm, 12 người nói trên mắc bệnh vào nhiều thời điểm khác nhau, có người đã mắc trên 5 năm và đã chuyển qua giai đoạn AIDS thì không thể nói 12 người cùng nhiễm bệnh là một ca đơn lẻ và nhiều khả năng sẽ còn thêm những người trong vùng mang trong mình virus bệnh thế kỷ.
Hai sự việc tuy khác nhau, nhưng đều cho thấy một điều: trong công tác phòng và chữa bệnh, dù đó là “bệnh lạ” hay “bệnh quen”, ngành y chưa làm tròn trách nhiệm.