Hai ổ dịch bạch hầu bắt đầu xuất hiện ở xã Quảng Hòa và xã Đắk R’Măng thuộc huyện Đắk Glong và một ổ dịch khác bùng phát ở xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô của tỉnh Đắk Nông vào trung tuần tháng 6/2020.
12 trường hợp bị mắc bệnh, trong đó có một bệnh nhi 9 tuổi tử vong. Thực tế này đã cảnh báo về căn bệnh không còn mới vẫn tái xuất hiện này. Cũng trong tháng 6, TPHCM là địa phương thứ hai ghi nhận một nam bệnh nhân mắc bạch hầu…đã tạo nên nỗi lo mới, nỗi lo về những “vùng trũng” trong tiêm chủng quốc gia.
Số liệu của Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng bệnh bạch hầu của người dân thuộc 3 ổ dịch vừa xảy ra tại tỉnh này là rất thấp, chỉ đạt khoảng 42 - 50%. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng được coi là an toàn trong cộng đồng phải trên 85%.
Con số “vô hồn” này phần nào nói lên trách nhiệm của y tế địa phương đối với một căn bệnh đã không còn xa lạ với người dân, thậm chí nó tái đi tái lại nhiều lần. Bốn năm qua, Cục Y tế Dự phòng chỉ ra các ca bệnh bạch hầu xuất hiện rải rác ở khu vực Tây Nguyên.
Dẫn chứng từ cục này cho thấy, năm 2016, một trường hợp tử vong tại tỉnh Kon Tum được xác nhận mắc bạch hầu; năm 2017, tỉnh Quảng Nam, nằm giáp với Kon Tum, không thuộc khu vực Tây Nguyên song ghi nhận 7 trẻ mắc bạch hầu, trong đó một ca tử vong. Năm 2018, một ổ dịch bạch hầu khác được ghi nhận tại Kon Tum khiến 5 người mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của hai trẻ nhỏ.
Chưa hết, mới năm ngoái một ổ dịch khác xuất hiện tại Đắk Lắk khiến một người tử vong. Trước đó, các ca bệnh xuất hiện rải rác tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông và tất cả đều được ngành y tế các tỉnh này “mổ xẻ” nguyên nhân là do tỷ lệ tiêm phòng quá thấp, khiến dịch tái xuất?!
Có một thực tế là tại các huyện, xã vùng sâu vùng xa, địa hình, đường sá đi lại hiểm trở; các thôn, bản cách xa nhau, người dân sinh sống phân tán, cán bộ y tế chỉ có thể đi bộ, hoặc chạy xe máy được một số chặng, vượt đèo dốc để đến từng nhà, vận động từng gia đình, người dân tiêm chủng… rất khó khăn. Lãnh đạo thuộc các xã vùng sâu, vùng xa cũng luôn thừa nhận việc vận động tiêm chủng, rà soát danh sách người dân thuộc diện tiêm chủng gặp khó, đó chính là nguyên nhân khiến dịch bùng phát.
Ngược lại, tại các tỉnh thành phố lớn, nơi công tác tiêm chủng thuận lợi, lại đang rơi vào tình trạng chủ quan vì cho rằng, bệnh đã có vắc-xin, từ lâu không xuất hiện; nhầm tưởng bệnh đã được loại trừ. Vì thế, nhiều người thờ ơ với tiêm chủng.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng cho rằng, đây chính là những nguyên nhân khiến mầm mống của dịch bệnh dễ lây lan, bùng phát và khó kiểm soát. Do bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, vì vậy người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh.
Sẽ không có những cái chết vì căn bệnh đã có vắc-xin phòng ngừa này, và sẽ không có 650 người tại các ổ dịch đang được cách ly cùng khoảng 1.200 người khác phải điều trị dự phòng nếu ngành y tế chặn được dịch từ gốc bằng vắc-xin thay vì cứ loay hoay chạy theo chống dịch phần ngọn.