Báo cáo của cảnh sát không đề cập tới bất cứ đoạn hội thoại nào được khôi phục từ ứng dụng này và điều này cho thấy có khả năng rằng nội dung trò chuyện của chúng qua Telegram sẽ mãi là điều bí ẩn.
Khoảng 21h40 ngày 13/11/2015, nhóm khủng bố nhận nhiệm vụ tấn công nhà hát Bataclan, gồm ba tên Ismael Omar Mostefai, Samy Amimour và Foued Mohamed-Aggad, đỗ chiếc Volkswagen Polo ở trước cửa nhà hát. 2 phút sau, một tên lấy ra một chiếc điện thoại Samsung và gửi tin nhắn cho một thuê bao ở Brussels: “Bọn tao đã đi. Bọn tao đang bắt đầu” rồi quẳng điện thoại vào chiếc sọt rác đặt ngay lối ra vào nhà hát. Chiếc điện thoại quan trọng này sau đó đã được khôi phục lại dữ liệu và cung cấp những thông tin quý báu cho công tác điều tra.
Cảnh sát tin rằng người nhận được tin nhắn thông báo này là kẻ đứng đằng sau âm mưu khuấy đảo Paris đêm đó. Một trong số kẻ tình nghi chính là Mohammed Belkaid - thành viên người Algeria của tổ chức khủng bố IS vốn hành nghề làm bánh kẹo - đã bị tiêu diệt trong chiến dịch truy quét khủng bố tại Brussels hôm 15/3. Một kẻ khác dùng tên giả là Soufiane Kayal vừa bị các công tố liên bang Bỉ hôm 21/3 xác định danh tính thật là Najim Laachraoui, từng tới Syria hồi tháng 2/2013, tuy nhiên vẫn chưa bắt được đối tượng này.
Tổng cộng 21 cuộc gọi và 2 tin nhắn đã được trao đổi giữa chiếc điện thoại Samsung tại hiện trường Bataclan và chiếc điện thoại ở Bỉ kể từ khi chiếc di động này được kích hoạt, tức 24 giờ trước loạt tấn công khủng bố. Các nhà điều tra cho rằng Belkaid và Laachraoui đã chỉ dẫn cho nhóm khủng bố Paris từ bên kia biên giới Bỉ trước, trong và sau đêm diễn ra thảm kịch bằng nhiều điện thoại khác nhau. Hãng CNN dẫn các báo cáo của cảnh sát Pháp cho biết, chiếc thứ hai trong loạt điện thoại trên, trùng chính xác vị trí với chiếc đầu tiên, được dùng để gọi tên Bilal Hadfi ở sân Stade de France cũng như với nhóm sát thủ phố cà phê Abaaoud lúc chúng bắt đầu hành động, qua đó cho thấy vụ tấn công này đã được chỉ đạo từ bên nước Bỉ.
Ứng dụng mã hóa
Vài tiếng trước đó, lúc 14h14 cùng ngày, nhóm tấn công nhà hát Bataclan đã tải một ứng dụng mã hóa tin nhắn có tên Telegram về chiếc điện thoại Samsung. Báo cáo của cảnh sát không đề cập tới bất cứ đoạn hội thoại nào được khôi phục từ ứng dụng này và điều này cho thấy có khả năng rằng nội dung trò chuyện của chúng qua Telegram sẽ mãi là điều bí ẩn.
Ngoài việc mã hóa, Telegram còn cho người sử dụng dùng tin nhắn tự hủy. Lúc 4 giờ 30 phút, một tay súng đã tải bản vẽ chi tiết rạp Bataclan về điện thoại rồi tìm kiếm trên mạng về ban nhạc Mỹ “Eagles of Death Metal” sắp sửa biểu diễn tại đây. Hầu hết 89 nạn nhân bên trong Bataclan thiệt mạng trong vòng 20 phút. Những kẻ cầm súng đã bắn chết ba người ở bên ngoài hội trường, sau đó vào bên trong và đi tới khu vực sân khấu. Chúng dùng súng tự động bắn tới tấp vào các khán giả rồi la lên "Chúa vĩ đại”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và người đồng cấp Mỹ Barack Obama đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân tại nhà hát Bataclan nhân dịp tham dự hội nghị COP 21.
Cứ một tên nã đạn thì một tên nạp đạn để chúng có thể giết chóc hết sức có thể. Việc tìm hiểu trước bản đồ khu vực đã giúp ích cho đám hung thủ độc ác. Khi vài nạn nhân cố gắng chạy trốn qua lối thoát hiểm, họ nhận ra tên thứ ba đã đợi sẵn ở đó. Tên này nói tiếng Pháp hoàn hảo, hắn quát tháo các nạn nhân bị thương nằm trên nền gạch rằng: “Bất cứ ai cử động, tao sẽ giết ngay”.
“Những gã người Mỹ đâu?”
Sau loạt tàn sát đầu tiên, các tay súng dừng lại và hỏi nhau: “Ca sĩ đâu rồi? Những gã người Mỹ đó đâu? Đây là một nhóm nhạc Mỹ. Người Mỹ ném bom chúng ta nên ta sẽ đánh người Mỹ”, một nhân chứng sống sót thuật lại. Bọn chúng chỉ vào những người bị trọng thương, nói với họ rằng chúng được IS tại Syria cử tới để trả thù cho các cuộc không kích của quân đội Pháp tại Iraq và Syria.
22h, hai sĩ quan cảnh sát tới hiện trường nhà hát. Với khẩu súng ngắn trong tay, họ chỉ có thể hạ gục tên Samy Amimour. Lúc ngã xuống sàn nhà, hắn đã giật đai bom đeo trên mình. Bị đánh động, Ismael Omar Mostefai và Foued Mohamed-Aggad đã chĩa súng từ tầng cao xuống, buộc hai sĩ quan phải rút lui. Cặp đôi này đã đe dọa một vài con tin, bắt họ lùi sâu vào hành lang phía trong tòa nhà. Chúng còn lấy vài chiếc điện thoại của các nạn nhân để truy cập mạng Internet nhưng thất bại vì không có tín hiệu.
22h45, biệt đội phản ứng nhanh của Pháp (gọi tắt là RAID) có mặt tại hiện trường. Đội đặc nhiệm liên lạc với hai kẻ bắt con tin từ bên ngoài thông qua điện thoại di động. Bọn chúng dọa sẽ bắt đầu sát hại con tin nếu không nhận được một bản cam kết rằng Pháp sẽ rút quân khỏi các vùng đất Hồi giáo.
Trong khoảng thời gian này, người ta trông thấy tên đầu sỏ Abaaoud đang đứng gần khu vực Bataclan, ra lệnh qua điện thoại cho hai tên ở bên trong. Sau khi bỏ lại chiếc xe Seat Leon ở ngoại ô Montreuil, Abaaoud đã bắt tàu điện ngầm quay trở lại trung tâm Paris để phối hợp với đồng bọn thực hiện lượt tấn công cuối cùng.
Vừa quá nửa đêm, RAID ùa vào hành lang nhà hát Bataclan, giải cứu an toàn các con tin còn sống sót. Mostefai và Aggad bị tiêu diệt tại chỗ, ít nhất một tên đã có ý định kích hoạt áo gắn thuốc nổ.
Bảy tên trong nhóm 10 kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt. Chỉ có Salah Abdeslam, Abaaoud và Akrouh còn sống sót. Vụ thảm sát chúng gây ra là thảm họa đẫm máu nhất tại châu Âu kể từ vụ đánh bom tàu hỏa ở Madrid (Tây Ban Nha) năm 2004. Số nạn nhân vô tội đã lên tới 130 người với hàng trăm người khác bị thương.
Bên trong vụ khủng bố Paris - Kỳ 1: Ba chiếc xe thuê