Được xây dựng từ năm 1892 đến năm 1900, chùa Ngọc Hoàng tọa lạc trên diện tích hơn 2.000 mét vuông, đường Mai Thị Lựu (phường Đa Kao, quận 1). Xưa nay ngôi chùa nổi tiếng là nơi cầu cúng cho việc làm ăn thuận lợi, bình an, phước đức và đặc biệt là cầu tự. Năm 1984, chùa được đổi tên thành Phước Hải Tự và được công nhận là di sản kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1994.
Chùa có kiến trúc theo kiểu cổ với bố cục bên ngoài hình chữ Quốc, bên trong hình chữ Tam, bao gồm 3 tòa tiền điện, trung điện và chánh điện.
Chùa thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Phật cùng các chư vị thần tiên, trong đó có Kim Hoa Thánh Mẫu (thần coi việc sinh nở) cùng 12 bà mụ. Trên 300 tượng thờ ở chùa chủ yếu được làm bằng gỗ, còn lại là giấy bồi. Bên trong ngôi chùa hiện nay vẫn còn giữ nhiều liễn đối, tranh thờ, bao lam, hương án được làm bằng gỗ, gốm tinh xảo. Chùa được xem là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam có những bức tượng cổ bằng giấy bồi mô tả sinh động cuộc họp mặt của các chư vị thần thánh về chầu Ngọc Hoàng.
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, chùa vẫn còn giữ lại nhiều hoa văn họa tiết được xây dựng bằng gạch xưa, mái lợp ngói âm dương với nhiều màu sặc sỡ.
Họa tiết trang trí bằng gốm màu trên các bờ nóc, góc mái, trên tường... đều được thiết kế tinh xảo và dựa theo các điển tích. Xung quanh 3 tòa là dãy hành lang tạo không gian kín đáo.
Đặc biệt, một hình thức sinh hoạt nổi bật ở đây là người đến viếng sẽ dùng dầu đổ vào những ngọn đèn để mong cầu những điều bình an, hạnh phúc cho gia đình và người thân.
Dù là ngày thường hay dịp lễ, chùa luôn đông khách đến viếng và thắp hương cầu nguyện nhưng không vì vậy mà sự tĩnh lặng, linh thiêng mất đi.
Ngược lại, từ khi bước vào khuôn viên chùa cho đến lúc đặt chân vào chánh điện bạn sẽ cảm nhận được không khí an nhiên, tự tại. Mùi hương trầm cùng những vạt lá của tán cây bồ đề khiến không gian trở nên thanh tịnh.
Không biết tự bao giờ, nơi đây là “địa chỉ đỏ” của những người hiếm muộn, không chỉ người thành phố mà cả nước tìm đến cầu nguyện mỗi ngày. Người ta thường tâm niệm con cái là phúc trời ban, chùa lại có tên trời nên được cho là ứng nghiệm. Những câu chuyện cầu con cảm động và màu nhiệm từ đây được truyền tai nhau lan tỏa khắp nơi.
Trong hình là bức tượng Thần Tài được đặt ở một gian cạnh bên chánh điện. Nhiều người thường đến đây để cầu tài lộc, cầu cho công việc làm ăn suôn sẻ và thuận lợi.
Những bức tượng bên trong chùa không chỉ được khắc chạm tỉ mỉ mà còn rất có hồn. Đôi khi bạn sẽ cảm giác rùng mình khi nhìn thẳng vào những bức tượng.
Điều thú vị khác ở ngôi chùa là trong khuôn viên chùa có 2 hồ nước đầy rùa và cá sinh sống. Theo lời kể của một người làm công quả tại chùa thì những con rùa này sống ở hồ đã rất lâu và cùng chứng kiến bao đổi thay của nơi này.
Dưới cái nắng âm ấm hơi chút nhẹ nhàng của buổi sớm mai, đặt chân đến nơi đây bạn sẽ thấy Sài Gòn không còn tấp nập và bộn bề. Khuôn viên chùa khá thoáng đãng và rộng rãi để nhiều người sau khi viếng và thắp hương có thể ngồi nghỉ ngơi và kể nhau nghe những câu chuyện cuộc đời.Với kiến trúc Trung Hoa xưa cổ, chùa Ngọc Hoàng được xem là nơi linh thiêng để cầu khấn con và công việc thuận lợi của nhiều người dân ở Sài Gòn suốt nhiều năm qua.