Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh được đặt tại phường Cao Xanh, TP Hạ Long. Đây là cơ sở của Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến từ đợt dịch đầu năm 2020 với quy mô 200 giường bệnh. Ngày 27/1, bệnh viện một lần nữa được kích hoạt chế độ khẩn cấp để tiếp nhận những ca dương tính đầu tiên và hàng trăm trường hợp F1. Họ đang điều trị 14 ca F0, gồm một số ca diễn biến nặng; theo dõi 269 trường hợp F1 có yếu tố dịch tễ với ca nhiễm SARS-CoV-2.
Nhìn phóng viên qua ứng dụng chat video, bác sĩ CKII Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2, vẫn kịp gật đầu chào trước khi vào phòng họp trực tuyến với các giáo sư, chuyên gia hàng đầu cả nước. Ông hẹn sẽ nói chuyện sau vì đang rất bận.“Trong cuộc hội chẩn của bệnh viện với Ban Chỉ đạo quốc gia về điều trị COVID-19, các giáo sư đã hướng dẫn thêm một số bước xét nghiệm để điều trị bệnh nhân ổn định hơn. Các bệnh nhân còn lại sức khỏe khá ổn định, chưa có diễn biến bất thường. Để chăm sóc, điều trị kịp thời cho các bệnh nhân, bệnh viện luôn sẵn sàng mọi mặt, từ thuốc men đến việc xét nghiệm”,bác sĩ Hùng chia sẻ sau khi cuộc họp kết thúc.
Tất cả vì người bệnh
Bệnh viện dã chiến số 2 có hai khu vực riêng biệt, một dành cho trường hợp cách ly và một dành cho điều trị bệnh nhân COVID-19. “Bệnh viện có thể tiếp nhận thêm 10-15 ca bệnh nữa. Cụ thể, nếu bệnh nhân phải thở máy thì có thể thêm 10 bệnh nhân. Nếu điều trị ở mức độ nhẹ đến trung bình, có thể điều trị thêm 25 bệnh nhân. Hiện Bệnh viện số 3 đã được Sở Y tế thành lập, sẽ giúp giải tỏa bớt áp lực cho Bệnh viện số 2 nếu có thêm nhiều ca bệnh và các trường hợp F1 cách ly”,bác sỹ Hùng cho biết.
Bệnh viện chia các kíp trực 24/24h.Khi tiếp nhận nhiều bệnh nhân, bệnh viện huy động tổng lực các bác sỹ để xử lý công việc, điều trị kịp thời. “Việc đầu tiên khi tôi vào khu cách ly là tháo đồng hồ trên tay cất đi để không nhìn vào đó, đỡ sốt ruột. Việc còn lại là chuyên tâm chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân. Khi không có đồng hồ, bạn sẽ không còn rào cản về thời gian. Không quan tâm đến giờ ăn hay giờ nghỉ. Đôi lúc vì thế mà cũng không thấy đói hay cảm thấy mệt mỏi”,bác sỹ Hùng chia sẻ.Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các nhân viên y tế đặt mục tiêu cao nhất là giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Theo thông tin từ những người bạn trong ngành y, phóng viên được biết bố của bác sỹ Hùng vừa mất cách đây hơn 10 ngày. Đang trong thời gian chịu tang bố, bác sỹ Hùng nén mọi đau thương nhận nhiệm vụ quay lại Bệnh viện dã chiến số 2 cùng đồng nghiệp cùng chống dịch, cứu người.