Bên ngoài những cánh rừng

Minh họa: Phong Nhi
Minh họa: Phong Nhi
TP - Không có gì ở ngoài đó đâu! Tiếng Hai Thảo thét lồng lộng từ dưới đất, trong khi thằng con trai của mình đã ở tuốt trên đọt tràm. Hai chân của nó kẹp cứng ngắc vô thân cây, một tay níu chặt cái nhánh gie ra ngoài, tay còn lại che trước trán. Điệu bộ y như con khỉ già trong một bộ phim của Tàu năm nào cũng chiếu đi chiếu lại trên ti vi đến nhão nhoẹt.

Tuột xuống từ từ, coi chừng dập dái bây giờ! – Hai Thảo lại thét lớn khi thấy ông con quặp luôn hai chân hai tay vào thân cây, thả trôi từ ngọn cây xuống đất. Theo đà trôi của nó, vỏ tràm cứ thế tróc từng miếng một. Cứ cái điệu này, vài tháng nữa chắc mấy cây tràm xung quanh nhà không cây nào còn một miếng vỏ.

Út Ngáo - là tên của cái thằng mắc dịch chiều nào cũng leo lên đọt tràm nhìn bốn phương tám hướng rồi tuột xuống. Nó là con trai của Hai Thảo và cũng là thằng con trai duy nhất từ đầu đến cuối tuyến kinh T30. Trong khi đó, mười nóc nhà còn lại moi không ra một đứa con gái nào trạc tuổi nó.

Dạo này thằng Út nhà mình hình như nó không được khỏe hả ông?

Nó mạnh hơn con trâu cui của ông già tui hồi đó! Hai Thảo lầm bầm trả lời vợ. Vợ Hai Thảo vẫn chưa yên tâm lắm với câu trả lời của chồng, bước ra cửa ngó theo cái lưng mốc cời của  thằng con đang lom khom gần mé kinh. Giọng lo lắng:

Khỏe sao mà bữa nào cũng leo lên đọt cây hết vậy?

Thì… nó ngứa dái! Cái tuổi này, thanh niên trai tráng nó phải vậy! Hai Thảo bắt đầu thấy bực.

Vậy hồi đó ông có ngứa…giống nó hả gì mà biết được? Vợ Hai Thảo vừa hỏi xong vội quay trở vô nhà vì chợt trông thấy ông chồng đứng chống nạnh trước mặt, ngó bộ sắp sửa phát khùng.

Út Ngáo không phải bị ngứa…như ông già nó nói. Bữa nào, cũng leo lên đọt cây là ngóng coi ở phía sân trụ sở  ủy ban xã nằm ngoài bìa rừng có treo cờ phướn hay dựng rạp gì không. Với lại leo lên cao thì dễ nghe tiếng loa quảng cáo từ phía đó vọng về. Nó đợi, kiểu như: A lô, A lô, một - hai - ba - bốn - năm… (có khi đếm tới mười, thằng thử loa lại nổi hứng rao: ghi đầm già ách)…kính thưa đồng bào và các bạn…đoàn ca múa nhạc tổng hợp…của chúng tôi sẽ về diễn tại địa phương trong ba đêm… 

Đó là tiếng loa của một đoàn gì gì đấy, có khi quảng cáo là ca múa nhạc tổng hợp, khi thì là đoàn nghệ thuật vũ kịch… quảng cáo toàn ca sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn khi đến coi mới bật ngửa: chỉ là trò lô tô, ném vòng vịt, lắc bầu cua, phóng phi tiêu... Ca sĩ thì lạ hoắc lạ huơ, đa phần là mềm oặt, lả lướt như mấy bụi rong đuôi chồn. Vừa  cất giọng thôi là đã muốn chọi cùi bắp. Bị lừa, nhưng mỗi lần có tiếng loa là tối đến cả xóm lại í ới rủ nhau tiếp tục đi coi. Hy vọng lần này nó sẽ không lừa mình nữa. Rốt cục vẫn bị lừa, nuốt nguyên cục tức no cành hông.

Út Ngáo chấp nhận bị lừa. Cho dù thằng thử loa kia có la làng: Mua vé để bị lừa đi bà con ơi! Thì những đêm diễn của đoàn vẫn không thể thiếu mặt nó được.

Nhớ mua vé coi tui diễn ở ngoài trụ sở ủy ban nghen! Lần gặp cuối cùng, Thiều nói với Út bằng cái giọng ngọt lừ như mật ong mùa hạn. Lần gặp cuối cùng, Thiều - một bên vai quảy cái cặp cũ mèm mua từ thời mẹ nó mới lấy chồng, tay kia xách theo cái giỏ có tuổi thọ cũng cỡ đó, bước xuống mũi vỏ ghé đón khách ngoài đầu kinh mỗi sáng sớm. Lần gặp cuối cùng đó, Thiều trả lời với lại: Tui đi học hát để làm ca sĩ đứng trên sân khấu, kiếm thiệt nhiều tiền chớ làm gì. Út…Ngáo quá đi!

Cũng ở lần gặp cuối đó, thằng Út con của Hai Thảo thành ra Út Ngáo tới giờ.

Lần đó là hồi nào, chắc gì Thiều còn nhớ.

* * *

Đời này thiếu cha gì con gái, mắc giống gì phải con Thiều làm dâu, bà mới chịu? Chưa kịp đặt lưng xuống giường, Hai Thảo lại giở mùng chui ra vì bà vợ vừa lảm nhảm: Phải chi con Thiều còn ở nhà, sang năm mình qua hỏi cưới nó cho thằng Út…

Vợ Hai Thảo lại tiếp tục đuổi theo chồng:

Ông ngó từ đầu kinh tới cuối kinh coi, còn đứa con gái nào không? Con Thiều là đứa cuối cùng. Vậy mà…

Hai Thảo hậm hực hút thuốc. Nghĩ lại thì vợ nói cũng có lý. Tụi nó đi đâu vậy cà? Đâu phải đứa nào cũng hát hay như con Thiều đâu mà đi học làm ca sĩ. Đi đâu cũng là thân làm thuê làm mướn, ở lại nhà không phải tốt hơn sao? Rồi Hai Thảo lại lắc đầu xua đi ý nghĩ vừa rồi: Chậc, ở nhà tới lúc cháo cũng không có mà húp. Đi xa, có khi lại kiếm được cái nghề gì đó. Tụi con trai, con gái xứ này coi vậy mà gan cùng mình…

Năm nay Út Ngáo đã được Hai Thảo giao lại bộ đồ nghề đi rừng, Hai Thảo từng tuyên bố: Đó là của gia bảo, chỉ truyền nam chớ không truyền nữ! Bà vợ ở sau bếp, ngay lập tức trề môi: Có ngon thì truyền nữ coi có đứa nào dám nhận không, ở đó mà nổ! Bộ đồ nghề gia bảo của Hai Thảo là chiếc xuồng be tám với cây sào tre lên nước bóng lộn; một cây mác vót bén tới mức con ruồi đậu lên là đứt làm đôi, chiếc búa đi rừng, một trăm kèo ong bằng cây nhum…Đó cũng là tài sản duy nhất của ông già tía Hai Thảo để lại trước lúc định cư vĩnh viễn trên bờ đìa sau nhà. Ở tuyến kinh T30 này, không chỉ nhà Hai Thảo, mà nhà nào cũng có thứ gia bảo na ná như vậy. Đó chính là phương tiện để ăn của rừng được truyền từ đời này sang đời khác. Của rừng chính là mật ong – một thứ sản vật quý giá của rừng tràm. Nghề gác kèo ong đã ăn sâu vào từng thớ thịt, mạch máu của dân rừng tràm, không riêng gì chỉ nhà Hai Thảo. Chỉ có đàn ông mới đủ sức, đủ gan một mình luồn lách trên chiếc xuồng nhỏ đi gác kèo ong khắp mọi ngóc ngách trong rừng, nên cái trề môi của vợ Hai Thảo chính là vậy.

Giao cả trăm kèo ong lại cho thằng con, Hai Thảo hoàn toàn yên tâm. Từ lúc bảy tám tuổi là Út Ngáo đã lẽo đẽo theo cha đi giáp hết cánh rừng sau nhà, còn ngóc ngách nào mà nó chưa từng mò đến. Mười tuổi đã lãnh việc thả câu giăng lưới kiếm cá theo mẹ đem ra chợ huyện bán; hết mùa cá tới mùa bẫy chim cò giao cho các quán nhậu. Mười lăm tuổi dám cầm chĩa dẫn chó đi săn rắn, bắt chuột. Còn nghề gác ong thì vừa lẫm chẫm biết đi thì nó thường xuyên ăn vụng mật ong đựng trong cái khạp da bò ở góc nhà. Biết được chuyện Hai Thảo giao “của gia bảo” lại cho thằng con, nhiều người đã can ngăn: Thằng Út Ngáo còn chưa hết tuổi dậy thì, giao chuyện gì thì được chớ cái nghề gác kèo ong thì coi chừng trật vuột à nghen! Hai Thảo cười khà, tuyên bố chắc như đinh đóng cột: Mấy người lo xa, máu trong mình thằng con tui, hai phần ba là mật ong xứ này! Cứ đợi vài năm nữa, nó sẽ trở thành thợ ăn ong đệ nhứt xứ tràm.

Vợ Hai Thảo chẳng thèm quan tâm đến chuyện đệ nhứt hay đệ nhị mà lúc nào cũng bồn chồn lo lắng “thằng Út cưng của mình chẳng bao lâu nữa sẽ bị ông già nó biến thành người rừng”. Với nỗi lo bị chồng chửi là “đồ đàn bà thì biết cái gì” đó, năm ngoái vợ Hai Thảo đã tính cho con đi làm công nhân ở Bình Dương nhưng Hai Thảo thì cấm tiệt. Lập luận của Hai Thảo là: “Tưởng lên Bình Dương làm gì chớ nếu làm ở xưởng gỗ thì thà ở nhà, sống với rừng không sướng hơn sao?”.

 Kết quả là bây giờ Út Ngáo vẫn còn ở lại nhà, sanh thêm cái tật, cứ mỗi chiều là lại leo lên đọt tràm để ngóng con Thiều.

Út Ngáo bắt đầu làm quen với những hơi thuốc đầu tiên. Ban đầu còn ho sặc sụa, trời đất quay mòng mòng nhưng sau đó thì chỉ còn cảm giác lâng lâng. Chiều qua nó đi thăm mấy cái lọp đặt ở trảng năn giữa rừng, bắt được một con cần đước. Sực nhớ, cha của Thiều có lần chép miệng: phải chi có con cần đước nhỏ nhỏ, đem rang muối, lai rai chơi! Ngay lập tức, Út Ngáo chống xuồng về tính đem con cần đước qua nhà Thiều. Vừa tới ngạch cửa đã nghe tiếng thở dài của mẹ Thiều:

Sao con Thiều đi lâu rồi mà không thấy thư từ về hả ông?

Liền sau đó là cha Thiều ngừng đưa võng, giọng gắt gỏng:

Nó viết thư rồi gởi về đâu? Không lẽ ghi nhà ở T30, cho bưu điện kiếm khùng luôn hả?

Điện thoại cũng được vậy? Có tốn kém bao nhiêu đâu?

Nhưng mà nó không muốn điện, bà hiểu chưa? Làm ca sĩ mà, lu bu suốt, bộ tưởng ở không như tui với bà hả? - Giọng cha Thiều lại trở thành giễu cợt - Đờn ca hát xướng, hay ho lắm! Nó mà vác cái mặt về đây là tui đuổi đi liền.

Vậy thì khỏi ăn cần đước rang muối nghen! Cha Thiều vừa dứt lời là Út Ngáo thảy con cần đước xuống nước, chống xuồng một mạch thẳng ra đầu kinh mua gói thuốc rồi tấp xuồng vô lùm cây mọc gie ra mé kinh.

Thiều thành ca sĩ hay chưa? Út Ngáo búng tàn thuốc xuống kinh, đốm lửa kêu xèo một cái rồi tắt ngúm. Chắc là chưa, vì coi trên ti vi không có ca sĩ nào tên là Thị Thiều cả, trên băng rôn quảng cáo mấy lần ở sân ủy ban xã cũng không. Có khi nào Thiều cũng giống như mấy đứa con gái khác trong xóm, lúc sửa soạn ra đi thì tự vẽ ra một viễn cảnh huy hoàng của ngày trở về nhưng rốt cuộc cũng không thấy đứa nào trở lại? Đổi đời đâu chưa thấy, chỉ thấy cả xóm này ngày càng hiu hắt. Bông tràm dường như cũng thưa thớt và bớt thơm hơn, mật ong mùa hạn cũng không còn ngọt như trước; mấy đám dây choại cũng chẳng buồn ra đọt non… Chỉ vì xóm này đã không còn đứa con gái nào nữa.

Ấy là Út Ngáo nghĩ vậy. Nó còn tưởng tượng ra rằng: Ở bên ngoài cánh rừng này, có khi còn xa hơn nữa, có một con quái vật nào đó, còn khủng khiếp hơn cả con rắn hổ mây khổng lồ thường xuất hiện trong những câu chuyện của ông nội. Con quái vật đó thường xuyên mò về tuyến T30, vét đến đứa con gái cuối cùng của xóm nó.

Và khi ở trên xuồng, giữa những cơn lâng lâng của khói thuốc, trong đầu Út Ngáo, một dự định “động trời” mau chóng thành hình…

“Cha mẹ đọc được lá thư này thì con đã lên xe đi xa lắm rồi.

Cha thường nói với con: ở ngoài kia không có cái gì cả. Không phải con không tin nhưng con cần phải tận mắt thấy cái-không-có đó, thấy được nó rồi con sẽ về liền. Chiếc xuồng, con cột dây ngoài đầu kinh dưới bến của bác Tám. Một trăm kèo ong, con đã gác xong hết rồi, mấy chỗ đó cha cũng biết.

Mẹ có qua nhà Thiều thì nhắn với ổng bả là chuyến này, con cũng sẽ đi tìm Thiều. Cho dù Thiều có thành ca sĩ hay chưa thì bằng mọi giá, con cũng sẽ biểu nó về nhà.

Chút nữa con quên, còn mấy cái lọp đặt ngoài trảng năn, cha nhớ thăm giùm, không thôi rùa cá chết hết, uổng.

Mươi bữa nửa tháng con sẽ về. Con lớn rồi, cha mẹ đừng lo lắng quá.

Đừng giận con nghen cha mẹ.

Út của cha mẹ”.

Đọc xong lá thư của thằng con, toàn thân Hai Thảo bỗng dưng nhức nhối như vừa bị ngàn vạn mũi kim của nguyên cả bầy ong mật đồng loạt chích vào vì khét nọc.

Cả tuyến kinh T30 vẫn chưa hay: Kể từ giờ phút này, mười mấy nóc nhà đang say ngủ kia, có moi cũng không ra một thằng con trai. Thằng con trai cuối cùng của xóm vừa bỏ xứ ra đi.

Chuyến xe buýt từ huyện chạy vô tới thị xã thì trời cũng đã nhá nhem tối. Út Ngáo thoáng thấy ai đó giống hệt Thiều, trong quán nhậu, tay cầm mi-cờ-rô đang xuống “xề” bài Lan và Điệp – bài ruột của Thiều, vừa ca vừa cầm mấy phong kẹo kéo mời khách. Không phải Thiều đâu, con nhỏ này son phấn y như đang đeo mặt nạ; với lại giọng ca nghe lạt nhách, không có hồn vía gì hết. Trăm ngàn lần không phải, chắc là người giống người! – Út Ngáo lắc đầu xua đi ý nghĩ: Thiều của mình đã trở thành ca sĩ chuyên ca vọng cổ để mời khách nhậu mua kẹo kéo.

Nhìn những dãy đèn đường sáng rực, không khác gì ban ngày, Út Ngáo cứ tưởng mình đi lạc trong một cái sân khấu khổng lồ và con Thiều vẫn còn loanh quanh đâu đó. Chắc Thiều đang chờ đến lượt của mình. 

Bên ngoài những cánh rừng ảnh 1

Đọc Lê Minh Nhựt, cảm giác đầu tiên là nhà văn sống rất gần với những người dân bần cùng nhất. Cách sống, lối nói và cả lối suy nghĩ của họ anh thuộc. Để rồi bằng một giọng kể tiết chế, một đời sống bị giản lược đến nỗi những nhu cầu tinh thần cũng trở thành giản lược - dần hiện ra.

Sinh năm 1981, Lê Minh Nhựt hiện công tác tại Hội VHNT Cà Mau. Anh là người viết kiên định, chắc chắn và không vội vã.

L.A.H

MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.