BĐS thời khốn đốn, ‘đại gia’ ngã ngựa
> Biệt thự bỏ hoang thành nơi trồng rau
Không chỉ suy sụp trong những biểu tình, tranh chấp của nhà đầu tư, nhiều ông lớn “ngã ngựa” khi dính vào vòng lao lý.
Trong cơn bĩ cực của thị trường bất động sản (BĐS) kéo dài gần 2 năm qua, nhiều dự án của những ông lớn cũng bị cuốn vào vòng xoáy đi xuống của thị trường. Trước đó, chúng đã từng là những “điểm sáng” hút khách, là những dự án nổi tiếng. Đến nay, trong sự trượt dốc, sự nổi tiếng ấy lại đi kèm với những tai tiếng có thừa. Nhìn lại bức tranh thị trường BĐS không mấy sáng sủa trong thời gian qua, Vland sẽ điểm lại những dự án BĐS “vang bóng một thời” mà có khi giờ nhắc tới nhiều nhà đầu tư chỉ biết lắc đầu kèm nhiều nỗi “than ôi”!
Liên tiếp thị trường BĐS bị giáng thêm những đòn nặng nề. Không chỉ suy sụp trong những biểu tình, tranh chấp của nhà đầu tư, nhiều ông lớn “ngã ngựa” khi dính vào vòng lao lý. Nhìn vào thị trường BĐS xuống dốc mà chưa nhìn được con đường sáng, nhiều người đặt câu hỏi: Đồng tiền đang mất niềm tin của nhà đầu tư? Liệu có niềm tin vực dậy thị trường?
1. Dự án KĐTM Thanh Hà Cienco 5
Dự án KĐTM Thanh Hà, chủ đầu tư là Tổng công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) được khởi công từ đầu năm 2008. Ra đời đúng vào thời điểm BĐS hoàng kim, có lúc dự án Thanh Hà - Cienco 5 đã trở thành điểm nóng được giới đầu cơ làm giá, săn lùng ráo riết với mức giá chênh lệch trao tay hàng tỷ đồng, qua những bản hợp đồng ký kết với nhiều công ty tự nhận là nhà đầu tư thứ cấp để mua đất dự án khu đô thị Thanh Hà.
Nhưng Thanh Hà Cienco 5 cũng là trái đắng mà nhiều nhà đầu tư đến giờ vẫn không thôi ám ảnh. Hàng trăm người bị rơi vào bẫy, mất trắng hàng trăm tỉ đồng.
Đến nay, qua 4 năm, công trường ngổn ngang trên cây cầu chưa đầy 10, còn lại hầu hết mặt bằng vẫn chỉ là những cánh đồng bỏ hoang, ao hồ nước mênh mông.
2. Dự án nhà ở giãn dân phố cổ
Dự án xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên do UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Cụ thể, dự án này được UBND TP. Hà Nội phê duyệt và giao UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư vào cuối năm 2009 theo hình thức xã hội hoá.
Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và Xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) được giao thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án. Đổi lại, UBND quận Hoàn Kiếm chấp thuận đề nghị của Công ty Hồng Hà xin được mua 50 căn hộ chung cư cao tầng để cải thiện điều kiện nhà ở của cán bộ, nhân viên Công ty Hồng Hà và đồng ý cho phía Công ty Hồng Hà sử dụng để kinh doanh 15% số căn hộ trên tổng dự án mà Công ty bỏ vốn đầu tư.
Những thông tin “lùm xùm” về tính pháp lý của dự án xuất hiện từ giữa năm 2012, đến tháng 8-2012 sự thật về việc huy động vốn mới vỡ lở. Có hay không hành vi “lạm dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại dự án? Những lãnh đạo liên quan đã bị bắt giữ để điều tra nhưng đến nay số tiền gần 200 tỷ đồng nhà đầu tư góp vốn vào dự án vẫn chưa biết sẽ ra sao, trong khi đó khu đất dự án vẫn chỉ là bãi trống, um tùm cỏ dại.
Nhà đầu tư bao vây công ty Hồng Hà trước những lùm xùm về thông tin chiếm đoạt tài sản . |
Sau 4 năm dự án vẫn chỉ là bãi đất trống um tùm cỏ mọc. |
3. Dự án 409 Lĩnh Nam
Dự án Megastar Duminium 409 Lĩnh Nam – Hoàng Mai – Hà Nội do Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng và Cty Cổ phần Megastarland làm chủ đầu tư. Trong đó, tòa 25T tại dự án được Công ty Đầu tư phát triển thương mại Hạ Long phân phối độc quyền với giá 12 triệu đồng/m2.
Trước thông tin người dân mua nhà từ CT3 B Trung Văn Hà Nội có nguy cơ không nhận được nhà vì Công ty Hạ Long chiếm dụng vốn nhiều khách dự án 409 Lĩnh Nam cũng đang “chết đứng”. Sự lo sợ “trắng tay” càng tăng lên khi đến nay dự án vẫn trong tình trạng bất động, cửa đóng then cài. Phần nhà 25 tầng đã đào móng, ép cọc sắt nhưng đã ngừng thi công, còn chủ đầu tư thì “mất dạng”.
Theo Khanh Đỗ
VietNamNet