> Nên chọn địa chỉ uy tín khi mua hàng trên mạng
Hình ảnh quảng cáo hấp dẫn khi mua phiếu giảm giá trên mạng khiến nhiều khách hàng bị lừa. |
Khách hàng bị bỏ rơi
Bỏ ra 990.000 đồng mua một phiếu du lịch 2 ngày 1 đêm ở Sa Pa của một hãng lữ hành bán hàng giá rẻ qua mạng, chị Nguyễn Thu Thủy (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) vui mừng vì giá thấp hơn các hãng lữ hàng khác 30%.
Lịch tua được hãng bán phiếu giảm giá quảng cáo hấp dẫn như: xe đón từ ga Lào Cai lên Sa Pa, ở khách sạn 3 sao tại phố Cầu Mây, ăn sáng, ăn trưa tại khách sạn, tham quan Hàm Rồng, Thác Bạc và chợ tình Sa Pa...
Cả nhà háo hức lên đường, nhưng khi đến nơi thay vì ở khách sạn 3 sao như quảng cáo, chị Thủy cùng đoàn du khách phải ở khách sạn 2 sao với lý do: hết phòng.
“Trưởng đoàn dẫn đoàn khách đến địa điểm tham quan rồi để khách tự tìm hiểu. Khi mới tham quan được một nửa địa điểm trong hướng dẫn, đoàn phải quay về. Đại diện công ty du lịch nói muốn tham quan hết lịch trình, du khách phải đóng thêm tiền mà không có một lý do giải thích chính đáng, chả khác nào bị lừa đảo”, chị Thủy chia sẻ.
Cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự như chị Thủy, chị Nga – nhân viên văn phòng mua phiếu du lịch cho cả nhà trên mạng đi du lịch ở Đà Nẵng chỉ với 870.000 đồng/phiếu/người, chưa kể tiền vé máy bay.
Chị Nga cho biết: “Sau chuyến bay mệt mỏi, cả gia đình chúng tôi được đón đến khách sạn 3 sao. Vì muốn ở phòng đôi nên chúng tôi đã phải mất thêm tiền dịch vụ dù trong hướng dẫn gia đình chúng tôi được ở phòng đôi. Điều làm tôi bức xúc khi bên bán phiếu quảng cáo ăn tại khách sạn với thực đơn hấp dẫn nhưng thực chất bữa ăn tại khách sạn 3 sao không khác gì quán cơm bụi ngoài đường”.
Chị Nga cho biết thêm, sau chuyến du lịch nhớ đời đó chị thề không bao giờ mua tour giá rẻ bằng phiếu qua mạng. “Ấm ức nhất là tôi có cảm giác bị lừa, nhưng đó cũng là điều thiếu sót của tôi khi không kiểm tra lại các thông tin từ phía cung cấp. Đúng là há miệng mắc quai”, chị Nga nói.
Rẻ hóa đắt
Thông tin quảng cáo ăn uống tại một nhà hàng Hàn Quốc trên mạng giảm 50% khi mua phiếu qua mạng khiến chị N.M (Tây Hồ, Hà Nội) nhanh tay đặt mua vì sợ “hết hàng”.
Mua 4 phiếu với giá 400.000 đồng để được ăn nhà hàng với giá trị gấp đôi, nhưng khi vào nhà hàng Hàn Quốc trên phố Mai Hắc Đế (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì được nhân viên cho biết, mỗi bàn ăn gồm 4 người chỉ sử dụng 2 phiếu tương đương 400.000 đồng sẽ được giảm khi thanh toán.
Điều chị M bất ngờ là khi gọi món trong thực đơn khác xa hoàn toàn với hình ảnh quảng cáo món nướng hấp dẫn trên mạng.
“Chúng tôi phải gọi món trong thực đơn và lúc tính tiền giá đều cao hơn trong thực đơn nhiều lần. Cứ nghĩ được ăn giá rẻ và ngon tại nhà hàng sang trọng ai ngờ tôi phải mất thêm gần 1 triệu cho bữa ăn 4 người”, chị M cho biết.
Còn chị Phương – biên tập viên của một trang web mê mẫu quần nhiều màu sắc quảng cáo trên một trang mạng giảm giá còn 75.000 đồng/chiếc, cũng bức xúc: “Màu quần và chất vải không đúng như trong hình ảnh. Nếu mua hàng bình thường qua mạng thì tôi có thể từ chối sản phẩm, nhưng mua bằng phiếu thì không thể làm gì khác ngoài việc nhận sản phẩm mà tôi không ưng ý. Với số tiền đó, tôi có thể mua chiếc quần tương tự bên ngoài chất lượng tốt hơn”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Để kiện người bán phiếu dịch vụ lừa đảo qua mạng rất khó, bởi khách hàng phải chứng minh phía bán hàng có hành vi lừa đảo. Nhưng khách hàng có thể khởi kiện hành vi gian dối trong kinh doanh theo quy định của Luật Dân sự”.
Ham đồ rẻ dễ bị lừa Ông Đỗ Gia Phan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN cho biết, 4 tháng đầu năm có hàng trăm đơn khiếu nại của khách hàng liên quan đến lừa đảo bán hàng qua mạng. Đây là một hình thức cũ nhưng ngày càng sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi khác nhau đánh vào tâm lý ham đồ rẻ của người tiêu dùng. |