Một số nhà xuất bản bị ngừng trệ do TBT chưa có thẻ hành nghề:

Bây giờ mới choáng

Thời gian tới, nhiều giải pháp đồng bộ được kỳ vọng cải thiện chất lượng hoạt động xuất bản. Ảnh: Toan Toan.
Thời gian tới, nhiều giải pháp đồng bộ được kỳ vọng cải thiện chất lượng hoạt động xuất bản. Ảnh: Toan Toan.
TP - Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) trao đổi thêm quanh thông tin nhiều nhà xuất bản (NXB) có nguy cơ ngừng trệ do tổng biên tập chưa có thẻ hành nghề biên tập viên (Tiền Phong ngày 10/12), cũng như các giải pháp cải thiện chất lượng hoạt động xuất bản trong thời gian tới.

Trong lễ phát chứng chỉ hành nghề biên tập, ông công bố có tới 1/3 giám đốc, tổng biên tập NXB không theo khóa học chứng chỉ hành nghề. Từ 1/1/2016 các NXB này có nguy cơ đình trệ. Ông có thể nói rõ thêm về điều này?

Giám đốc NXB không bắt buộc có chứng chỉ hành nghề, nhưng tổng biên tập mà không có thẻ thì máy tự động dừng cho phép nhập dữ liệu lưu chiểu. Máy không vị thân. Tôi cũng không có nghĩa vụ nhắc nhở, vì từ 2014 đến nay tôi gửi đến 10 công văn nhắc nhở. Cách đây tháng rưỡi, Cục ra công văn tối hậu thư rằng đây là khóa học cuối cùng của giai đoạn này, đề nghị các NXB bố trí nhân sự còn lại tham gia khóa học. Nhiều người cứ nghĩ là xập xòe được, bây giờ mới choáng.

Với các NXB mà tổng biên tập chưa có thẻ, họ phải chịu trách nhiệm cá nhân. Không dưới 10 NXB có giám đốc kiêm tổng biên tập không có thẻ, chắc chắn sẽ phải dừng thôi. Luật không chờ ai cả. Các vị này phải chịu trách nhiệm trước Cục Xuất bản, cơ quan chủ quản về việc không chấp hành pháp luật.

Một số NXB cũng có chút băn khoăn về thời gian tham gia các khóa học, ông nghĩ sao?

Một số người lấy lí do này kia không theo khóa bồi dưỡng. Nhưng hai năm qua, Cục tổ chức đến 12 lớp học, cả thảy 12 giấy chiêu sinh thì không thể lấy lí do đó được. Điều đáng nói là các trường hợp này chủ yếu rơi vào NXB nhỏ, kém hiệu quả. Các NXB lớn rất đàng hoàng, nghiêm chỉnh.

Còn việc cấp đổi giấy phép hoạt động cho các NXB sắp tới, liệu có bao nhiêu trong 39 NXB trong danh sách cảnh báo của Cục hồi tháng 8 không đủ điều kiện?

Luật quy định NXB phải có đủ vốn điều lệ, 5 biên tập viên cơ hữu mới được cấp đổi giấy phép. Hiện còn một vài NXB chưa đủ, người ta cũng đề nghị nhưng chưa đúng tiêu chuẩn, hoặc có đủ biên tập viên nhưng có xuất bản phẩm vi phạm tính từ 1/7/2013 đến nay chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Sắp tới sau khi Bộ trình Thủ tướng, đối với một số NXB thiếu vốn sẽ có phương án nào đó, nhưng nếu thiếu biên tập viên thì không được cấp đổi giấy phép.

Nhiều lần ông khẳng định cấp chứng chỉ hành nghề biên tập được xem là mấu chốt cải thiện chất lượng hoạt động xuất bản?

Ngày xưa nói đến các NXB lâu năm như Kim Đồng, Văn Học, Văn hóa Thông tin... người đọc tin tưởng. Sau này xã hội hóa, bên cạnh huy động được nguồn lực xã hội, nhưng chúng ta không quản lý kịp nên suốt thời gian dài kẽ hở đó bị lợi dụng. Người biên tập sách đánh rơi dần vai trò xã hội giao phó: Dùng tri thức làm bộ sàng lọc, nhưng giờ bị thủng và mấu chốt phải vá chỗ thủng. Cấp chứng chỉ hành nghề đặt nền móng cho vấn đề lâu dài. Nó cũng giúp người ta nhìn lại trách nhiệm của mình. Trước đây, nhiều NXB bán giấy phép, ghi khống tên biên tập viên , nhưng từ giờ sẽ hạn chế tình trạng này.

Đồng bộ với cấp thẻ hành nghề biên tập là ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý xuất bản. Hình thức nộp lưu chiểu mới từ 1/1/2016 cho phép tiết kiệm thời gian, vừa chặt chẽ hơn vừa công khai minh bạch hơn.

Chứng chỉ hành nghề biên tập là thẻ không có thời hạn, vậy còn những điều kiện về thu hồi trong trường hợp xảy ra vi phạm?

Thẻ hành nghề này có đặc điểm: Nếu không vi phạm gì thì có giá trị đến hết đời. Gừng càng già càng cay, nên nhãn quan, nghiệp vụ của họ càng cao. Có những GS,TS mới đi thi lấy bằng để biên tập sách, ta phải tận dụng chất xám này cho xã hội.

Theo Nghị định 159, Bộ TT-TT thu hồi thẻ trong các trường hợp sau: Có hai xuất bản phẩm vi phạm trong một năm, hoặc là hai xuất bản phẩm phải thu hồi chỉnh sửa, một xuất bản phẩm thu hồi tiêu hủy, hoặc là biên tập viên không tham gia các khóa đào tạo cập nhật của cơ quan quản lý nhà nước. Dự  kiến, hai năm một lần Cục tổ chức các khóa học nâng cao nghiệp vụ, cập nhật vấn đề mới. Một năm sau khi bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, họ được xem xét cấp lại.

Điều 19, Luật Xuất bản quy định tiêu chuẩn của biên tập viên trong đó có điều kiện: Có trình độ đại học trở lên, hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập theo quy định của Bộ trưởng Bộ TT-TT, có chứng chỉ hành nghề biên tập viên do Bộ TT-TT cấp.

Quy trình cấp chứng chỉ hành nghề biên tập: Các biên tập viên cơ hữu của 63 NXB đăng ký tham gia khóa “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập” do Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông tổ chức. Các học viên có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học, gửi hồ sơ về Cục Xuất bản, In và Phát hành xin cấp chứng chỉ.

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.