Cấp chứng chỉ biên tập viên

Đưa vào khuôn khổ, nhiều nhà xuất bản nguy to?

Chứng chỉ hành nghề biên tập được xem là công cụ siết chặt chất lượng xuất bản phẩm. Ảnh: T.Toan.
Chứng chỉ hành nghề biên tập được xem là công cụ siết chặt chất lượng xuất bản phẩm. Ảnh: T.Toan.
TP - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cấp 804 chứng chỉ hành nghề biên tập đợt đầu tiên, đồng thời thông báo các nhà xuất bản mà tổng biên tập, lãnh đạo chưa có chứng chỉ hành nghề sẽ không được ấn hành xuất bản phẩm.

Yên tâm hành nghề

Ông Vũ Văn Hùng, Giám đốc NXB Giáo Dục thay mặt lãnh đạo mấy chục NXB có mặt trong lễ trao chứng chỉ hành nghề biên tập ngày 9/12 nói: “Nhiều nước quan niệm về biên tập viên rất danh giá. Chúng ta quen nghĩ hành nghề luật, nghề y phải có chứng chỉ hành nghề, nhưng nghề biên tập quan trọng không kém lại chưa có. Bây giờ người biên tập có chứng chỉ, ý thức được danh dự, giá trị của nghề nghiệp”. Luật Xuất bản có hiệu lực từ tháng 7/2013, trong đó quy định rõ tổng biên tập, biên tập viên phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ TT-TT cấp, tuy nhiên đến thời điểm này hơn 800 biên tập viên mới cầm được chứng chỉ trên tay. Đây mới chỉ là một phần trong số những người làm xuất bản trên cả nước.

Từ cuối 2014 đến hết năm 2015, Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT-TT tổ chức 11 lớp, với 1.144 học viên. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Cục Phó Cục Xuất bản, In và Phát hành thông báo, có 116 học viên đạt loại giỏi, 417 học viên khá, còn lại trung bình và 12 học viên không đủ điều kiện cấp chứng chỉ. Đặc biệt, trong số các hồ sơ tiếp nhận và chưa đủ điều kiện cấp chứng chỉ, 26 trường hợp có xuất bản phẩm bị đình chỉ phát hành, hoặc thu hồi vì sai phạm nội dung từ 1/7/2013.

Lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành thông tin, ngoài hơn 800 học viên được cấp chứng chỉ hành nghề, có gần 600 người không thuộc diện cấp thẻ nhưng tích cực theo học. “Có những người nghỉ hưu là cộng tác viên cho NXB cũng ngồi học từ đầu chí cuối, chúng tôi rất trân trọng. Học viên cao tuổi nhất 82 tuổi”, ông Chu Hòa nói. 

“Thông qua việc cấp, thu hồi chứng chỉ sẽ kiểm soát, sàng lọc đội ngũ biên tập viên để đảm bảo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nói. Đây cũng chính là một trong những nỗ lực của ngành xuất bản trong thời gian qua, trước tình trạng làm sách ẩu, sai phạm ở nhiều đơn vị xuất bản. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc NXB Tri Thức nói, việc cấp thẻ mang lại nhiều thuận lợi. “Những người hành nghề có sự khẳng định nhất định về vị trí trong quá trình làm việc, cũng như chịu trách nhiệm trước công chúng một cách chặt chẽ hơn, được bảo vệ trước pháp luật”.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa nhiều lần nhấn mạnh, chứng chỉ biên tập là một trong những giải pháp siết quản lý chất lượng xuất bản phẩm. “Với gần 300 biên tập viên, NXB Giáo Dục tổ chức cho nhiều người tham gia các khóa học. Chúng tôi hứa sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội với sản phẩm làm ra”, ông Vũ Văn Hùng nói.

Vào khuôn khổ?

Gần 4 năm kể từ lúc xây dựng Luật Xuất bản, các nhà quản lý kỳ vọng làm trong sạch môi trường xuất bản, nhưng đến giờ này mới đạt được một số bước tiến. “Từ 1/1/2016, hoạt động xuất bản chính thức đi vào những khâu cuối cùng để hoạt động quy củ. Đồng bộ với cấp chứng chỉ hành nghề, chúng tôi công khai trên mạng lai lịch từng cuốn sách. Không chỉ cán bộ quản lý, người đi mua sách có thể biết gốc tích cuốn sách đó do ai biên tập, tổng biên tập, giám đốc NXB, ra đời bao lâu. Sách không đầy đủ thông tin này trên mạng đều là sách bất hợp pháp”, ông Chu Văn Hòa nói.

Theo lãnh đạo Cục xuất bản, giải pháp đồng bộ này giúp việc lưu chiểu sách từ nay sang trang mới, không còn khâu sai sót nữa. Theo đó, từ đầu năm sau, những biên tập viên không có thẻ đều bị máy từ chối nạp dữ liệu. “Chúng tôi rất buồn khi phải thông báo 1/3 số lãnh đạo, tổng biên tập NXB chưa được cấp thẻ đợt này, có thể do họ bận chưa đi học được hoặc nhiều lí do khác”, ông Chu Văn Hòa nói.

Nộp lưu chiểu thực hiện theo quy trình mới cũng phân biệt các cuốn sách mà tổng biên tập không được cấp thẻ, máy không chấp nhận dữ liệu. Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành là người ấn nút, quyết định cho phép xuất bản phẩm ra thị trường. “Lúc này sách không ra thị trường không phải lỗi ở Cục, vì Bộ TT-TT thực hiện đúng luật”, ông Hòa nhấn mạnh. Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn phát biểu: “Nghề xuất bản là nghề chữa bệnh cho từng con chữ, từng xuất bản phẩm. Chứng chỉ hành nghề cho biên tập viên có ý nghĩa rất lớn, nhắc lãnh đạo và biên tập viên của NXB thấy rõ hơn trách nhiệm đối với từng xuất bản phẩm, trách nhiệm với xã hội”.

Thông tin khá gây sốc này hẳn khiến các lãnh đạo, tổng biên tập các nhà xuất bản này giật mình. Liệu đây có tiếp tục là một giải pháp giơ cao đánh khẽ? Còn nhớ khi Cục cảnh báo hàng chục NXB có thể phải ngừng hoạt động, nhiều đơn vị lo sốt vó. Tuy vậy, mục đích chính là thức tỉnh trách nhiệm của các cơ quan chủ quản để NXB sống khỏe hơn, chất lượng sách tốt hơn. Chứng chỉ hành nghề lần này cũng không ngoại lệ.

MỚI - NÓNG