Bầu cử tổng thống Pháp: Quyết định tương lai châu Âu

Các ứng viên chính trong cuộc chạy đua vào Điện Élysée. Ảnh: Getty Images.
Các ứng viên chính trong cuộc chạy đua vào Điện Élysée. Ảnh: Getty Images.
TP - Hôm qua, cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng một của cuộc bầu cử tổng thống mang tính cạnh tranh khốc liệt, và kết quả của nó sẽ đóng vai trò quan trọng quyết định tương lai của châu Âu cũng như trở thành phép thử đối với niềm tin của cử tri đối với thể chế chính trị hiện tại.

Hơn 50.000 cảnh sát cùng các đơn vị tinh nhuệ của lực lượng an ninh Pháp được đặt trong tình trạng cảnh báo cao, tuần tra trên nhiều con phố trong bối cảnh cuộc bầu cử diễn ra chỉ 3 ngày sau khi một tay súng bắn chết một cảnh sát và làm bị thương 2 người khác ngay trung tâm đại lộ Champs Élysée.

Gần 47 triệu cử tri sẽ quyết định bỏ phiếu cho một người mới với tư tưởng ủng hộ Liên minh châu Âu (EU), một người bảo thủ kỳ cựu từng dính bê bối và nay thúc đẩy chủ trương thắt chặt chi tiêu công, một người mang tư tưởng cực hữu ngưỡng mộ cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro hay một người phụ nữ đầu tiên trở thành tổng thống Pháp với chủ trương đóng cửa biên giới và từ bỏ đồng euro.

Kết quả vòng bầu cử này đang được cả thế giới hồi hộp theo dõi vì đó sẽ là dấu hiệu cho thấy làn sóng dân túy dẫn đến việc Anh rời khỏi EU và ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ tiếp tục gia tăng hay bắt đầu đi xuống.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, cựu Bộ trưởng Tài chính và Công nghiệp mang tư tưởng trung lập, mới lập đảng cách đây 1 năm, có thể chiến thắng vòng 1 và đánh bại lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen trong cuộc chạy đua 2 người vào ngày 7/5. Nếu hai người này chiến thắng vòng bầu cử ngày 23/4 sẽ cho thấy thay đổi lớn trong bối cảnh chính trị, vì vòng bầu cử thứ hai sẽ đánh dấu việc không một chính đảng lớn nào có thể tiếp tục lãnh đạo nước Pháp sau nhiều thập kỷ.

“Đó không chỉ là sự chia rẽ kinh điển giữa phe cánh tả và cánh hữu mà còn là sự xung đột giữa hai quan điểm về thế giới”, ông Jerome Fourquet, làm việc tại hãng thăm dò dư luận Ifop, nhận định. “Macron tự nhận mình là người tiến bộ so với những người bảo thủ, còn Le Pen gọi mình là người yêu nước so với những người thích toàn cầu hóa”, ông Fourquet nói.

Nhưng ông Francois Fillon, một người bảo thủ, dường như đang trở lại đầy lợi hại sau nhiều tháng dính bê bối việc làm giả. Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Jean-Luc Melenchon, một người cánh tả, tăng mạnh trong vài tuần gần đây. Bất kỳ cặp đôi nào trong số 4 người này cũng được đánh giá là có cơ hội vào vòng trong.

Bảy ứng viên còn lại, trong đó có ông Benoit Hamon thuộc đảng Xã hội cầm quyền, 2 người ủng hộ tư tưởng Mác-xít, 3 người theo chủ nghĩa dân tộc và một cựu nghị sĩ đang thua xa trong các cuộc thăm dò dư luận. “Tôi vẫn chưa biết sẽ bỏ phiếu cho ai. Đó thực sự là thảm họa. Tôi sẽ đi bầu cử nhưng chỉ vì trách nhiệm”, Reuters dẫn lời cử tri Pierrette Prevot, 60 tuổi, nói tại Paris.

An ninh đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử lần này sau vụ một cảnh sát bị kẻ tình nghi là Hồi giáo cực đoan bắn chết tại Paris. Một số ý kiến cho rằng, sự kiện này làm gia tăng cơ hội chiến thắng cho bà Le Pen. Nhưng các cuộc tấn công vũ trang trước, như vụ giết hại 130 người vào tháng 11/2015 trước thềm bầu cử khu vực ở Pháp đã không làm tăng lá phiếu ủng hộ cho những người chủ trương thắt chặt chính sách an ninh quốc gia.

Do tính khó đoán của đợt bầu cử lần này ở Pháp, các đơn vị bầu cử cho biết họ khó đưa ra con số ước lượng đáng tin cậy vào 8h tối 23/4 như bình thường, vì các điểm bỏ phiếu nhỏ và vừa thường đóng cửa muộn hơn.

Rủi ro lớn

Khả năng bà Le Pen với ông Melenchon gặp nhau tại vòng trong được đánh giá không phải viễn cảnh có khả năng xảy ra nhất, nhưng là điều khiến giới ngân hàng và đầu tư hồi hộp nhất. Trong khi ông Macron muốn đẩy mạnh khu vực đồng euro, bà Le Pen đã tuyên bố với báo chí: “EU sẽ chết”. Bà muốn trở lại với đồng Franc, tái định dạng nợ quốc gia, thuế nhập khẩu và khước từ các hiệp ước quốc tế.

Ông Melenchon cũng muốn đại tu triệt để EU và tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc có rời khỏi khối này hay không. Bà Le Pen hay ông Melenchon sẽ phải cạnh tranh trong cuộc bầu cử nghị viện vào tháng 6 tới để giành được sự ủng hộ của đa số mới có thể thực hiện một cuộc trưng cầu ý dân như vậy. Nhưng tỷ lệ ủng hộ dành cho họ ngày càng tăng khiến giới đầu tư và các đối tác trong EU lo ngại. “Chúng tôi sẽ không vui mừng quá nếu kết quả bầu cử ngày Chủ nhật dẫn đến vòng đối đầu giữa bà Le Pen và ông Melechon”, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nói. Ông cũng cho rằng, cuộc bầu cử này mang lại rủi ro lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Nếu ứng viên Macron hay Fillon thắng, mỗi người sẽ đối mặt nhiều thách thức. Đối với ông Macron, thách thức lớn là có thể giành được đa số phiếu trong quốc hội tại cuộc bầu cử vào tháng 6 tới hay không. Đối với ông Fillon, dù có thể ít vất vả hơn trong việc giành được ủng hộ của đa số trong quốc hội, nhưng lại khó thoát khỏi vụ bê bối biển thủ công quỹ mà ông luôn phủ nhận.

MỚI - NÓNG