Bầu cử tổng thống Mỹ: Khát khao sâu thẳm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thật thú vị khi được trực tiếp chứng kiến thái độ, cảm xúc của người dân địa phương trong cuộc kiểm phiếu bầu tại các tiểu bang trên toàn nước Mỹ.

Đêm bầu cử, vợ chồng tôi đã chọn ngủ ghế sofa để xem trực tiếp tivi phát sóng cuộc rượt đuổi từng phiếu bầu cho hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris. Đến khoảng hai giờ sáng (giờ New York), kết quả đã rõ ràng. Ông Trump hoàn toàn thắng trên hầu hết các tiểu bang và chỉ sau vài chục phút, chúng tôi đã chứng kiến giây phút ông cùng vợ con bước lên sân khấu tuyên bố giành chiến thắng. Có chút tiếc nuối cho đảng Dân chủ và bà Harris, nhưng rồi vợ chồng tôi quyết định đi ngủ để hôm sau tiếp tục cuộc sống hằng ngày.

Sáng sớm ngủ dậy, việc đầu tiên là cầm điện thoại mở trang Facebook cá nhân để xem tình hình bạn bè, người quen thể hiện thái độ như thế nào với kết quả chung cuộc của ngày bầu cử hôm trước. Một vị giáo sư nữ của tôi để trang Facebook màu hồng cam và thông điệp: “Nói một cách đơn giản, tôi rất buồn và rất thất vọng với đất nước mình vào sáng hôm nay”.

Bầu cử tổng thống Mỹ: Khát khao sâu thẳm ảnh 1

Ba người trong một gia đình cử tri Mỹ sau khi đi bỏ phiếu ngày 5/11 mang về 3 sticker “I voted” (Tôi đã bỏ phiếu), dán lên tường làm kỷ niệm và mong chờ chính quyền mới mang lại những thay đổi tích cực hơn. Ảnh: Tâm Ngô

Sáng 6/11 (giờ Mỹ), khi bước chân vào trường, nơi tôi làm việc, tôi nhìn thấy các ánh mắt và vẻ mặt không mấy vui vẻ của đồng nghiệp. Tuy nhiên, họ không nói ra vì họ không biết tôi ủng hộ cho đảng nào. Chỉ đến khi tôi bước vào lớp của tôi và gặp cô bạn dạy cùng lớp 3 năm liền thì cô ấy tỏ rõ nỗi buồn, sự thất vọng (vì chúng tôi khá thân nhau và ngầm hiểu cùng chung một mong muốn). Chợt nhớ câu hay được chia sẻ trên mạng: “Chỉ cần tâm hồn mình là nắng, ngày giông bão cũng hóa trời xanh”.

Tóm lại, những người ủng hộ đảng Dân chủ thể hiện sự thất bại của mình một cách lặng lẽ. Họ ngậm ngùi tiếc nuối, trao cho nhau những ánh mắt thất vọng và những cái thở dài nén lại, trong khi những người ủng hộ đảng Cộng hòa mừng vui ra mặt. Họ tụ tập ăn mừng, tràn ra đường với cờ Mỹ và banner “Make America great again” (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại).

Mong chờ sự thay đổi

Ông Trump chiến thắng với cả phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri. Điều này có nghĩa đại đa số người dân Mỹ đang mong muốn có sự thay đổi sau 4 năm nước Mỹ dưới sự điều hành của đương kim Tổng thống Joe Biden. Tình hình kinh tế Mỹ lao dốc, lạm phát đạt đỉnh 9,1%, giá tiêu dùng tăng mạnh sau đại dịch… Mức lương của người lao động tăng không đáng kể so với sự lạm phát, nên nhiều người dân tin rằng Tổng thống Trump sẽ xử lý các vấn đề kinh tế tốt hơn bà Harris cho những năm tới.

Hơn nữa, tình hình nhập cư bất hợp pháp tăng mạnh những năm gần đây khiến nhiều người dân Mỹ lo ngại về vấn đề trật tự, an ninh và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế. Việc ông Trump tại các buổi tranh cử liên tục đưa ra quan điểm của mình là sẽ ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân, đặc biệt là người dân nhập cư hợp pháp trên đất Mỹ.

Tuy nhiên, nhìn lại cùng thời điểm này 4 năm về trước, khi ứng viên Joe Biden giành chiến thắng trước đối thủ Donald Trump thì sự cay cú của những người ủng hộ đảng Cộng hòa đã tạo ra bạo động, biểu tình khắp nơi. Đặc biệt là sự kiện nổ súng ngay tại tòa nhà Quốc hội Mỹ năm 2021 đã làm đa số dân trí thức ở Mỹ thất vọng về cách hành xử của nhiều người theo đảng Cộng hòa.

Mong rằng, với quyết tâm “Make America great again”, Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ hai sẽ làm thay đổi suy nghĩ của một bộ phận dân chúng và có thêm sự ủng hộ của nhiều người dân Mỹ. Chợt nhớ câu của nhà văn-phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry (tác giả “Hoàng tử bé”): “Nếu bạn muốn đóng một con tàu, đừng kêu gọi người khác thu thập gỗ, phân chia công việc và ra lệnh. Thay vào đó, hãy truyền cho họ niềm khao khát biển cả bao la và vô tận”.

Khẩu hiệu chính trị nổi bật

“Make America great again” (MAGA) là khẩu hiệu chính trị nổi bật của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, và tiếp tục được sử dụng trong chiến dịch năm nay. Cụm từ này xuất hiện lần đầu vào năm 1980 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, nhưng được ông Trump sử dụng lại để truyền tải thông điệp về việc đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội và quân sự.

Khẩu hiệu này nhấn mạnh vào các ưu tiên như tạo việc làm cho người Mỹ, tăng cường an ninh biên giới, cắt giảm thuế, giảm thiểu can thiệp quân sự ở nước ngoài, và phục hồi vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. MAGA đã trở thành biểu tượng văn hóa, thường được thể hiện qua mũ lưỡi trai đỏ, và thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người Mỹ theo chủ nghĩa dân túy và bảo thủ, mặc dù cũng gây nhiều tranh cãi trong các nhóm khác​.

Thái An

MỚI - NÓNG