Bầu cử tổng thống Mỹ: Giành giật cơ hội cuối trên 'chiến trường'

Cử tri bang Virginia đi bỏ phiếu sớm. Ảnh: Fox News
Cử tri bang Virginia đi bỏ phiếu sớm. Ảnh: Fox News
TP - Khi đã có đến 93 triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu xong, Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ Joe Biden đang dồn công sức vào Pennsylvania, biến bang này thành “chiến trường” quan trọng nhất cho cuộc bầu cử ngày 3/11.  

Ông Biden đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò toàn quốc, nhưng cuộc đua vẫn quyết liệt ở các bang có thể quyết định kết quả bầu cử. Cả hai nhóm vận động đều đánh giá Pennsylvania có vai trò cực kỳ quan trọng đối với chiến thắng của họ: ông Trump vận động ở đây quyết liệt hơn ở cả Michigan và Wisconsin - hai bang chủ chốt ở miền Bắc mà ông hy vọng chiến thắng.

Trong khi đó, con đường tiến vào Nhà Trắng rõ ràng nhất đối với ông Biden chạy qua Pennsylvania. Bang này chiếm 20 phiếu đại cử tri, nhiều hơn bất kỳ bang “chiến trường” nào ngoại trừ Florida, nơi ông Trump thắng với mức chênh chưa đến 1 điểm phần trăm trong cuộc đua năm 2016.

Ông Trump dành cuối tuần qua cho 4 cuộc vận động ở Pennsylvania và tiếp tục hoạt động ở đây trong những giờ cuối cùng. Ngày 2/11, ông có bài diễn thuyết trước cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động ở Scranton, thành phố quê nhà của ông Biden, trong khi ứng viên của đảng Dân chủ tập trung vận động nhóm cử tri ở các vùng ngoại ô của người da trắng và nhóm cử tri da màu trong chiến dịch ở 2 thành phố Philadelphia và Pittsburgh của Pennsylvania.

Trong các cuộc thăm dò gần đây, ông Biden dẫn trước ông Trump với mức chênh không lớn nên đang nỗ lực tấn công các vùng nông thôn. Còn nhóm của ông Trump đang chuẩn bị dùng biện pháp pháp lý nếu kết quả của hai người sít sao. Ngày 1/11, ông Trump nói với báo giới: “Ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc, chúng tôi sẽ vào cuộc với các luật sư”.

Đặc biệt tại Pennsylvania, khả năng cao sẽ xảy ra một cuộc kiện tụng kéo dài khi phe Cộng hòa tại bang này hy vọng Tòa án Tối cao cân nhắc lại quyết định cho phép tiếp tục nhận phiếu bầu vắng mặt trong 3 ngày sau thời điểm 3/11.

“Mỗi ngày đều có lời nhắc nhở mới về mức độ cạnh tranh quyết liệt như thế nào, về mức độ mà bên kia sẵn sàng tiến tới để vùi dập kết quả. Đặc biệt tại Philadelphia, Tổng thống Trump sợ hãi về những điều sẽ xảy ra ở Pennsylvania”, AP dẫn lời ông Biden nói trong bài phát biểu hôm 1/11.

So với những bang dao động khác như Florida, Pennsylvania có ít cử tri đi bỏ phiếu sớm hơn. Nhóm của ông Biden đang quyết liệt đi vận động từng nhà dân với hy vọng nhiều cử tri sẽ đi bỏ phiếu vào ngày bầu cử. Nếu chiến thắng ở bang này, ông Biden sẽ khiến con đường trở lại Nhà Trắng của ông Trump trở nên vô cùng hẹp. Bên cạnh đó, ông Biden cũng đã dành công sức cho Ohio, thể hiện sự tự tin ở bang mà ông Trump chỉ hơn đối thủ 8 điểm phần trăm cách đây 4 năm.

Trong giai đoạn nước rút, cả hai ứng viên đều mô tả đối thủ là người không hợp với vị trí lãnh đất nước và cho rằng, 4 năm tới sẽ không khác gì ngày tận thế nếu người kia thắng.

Trung Quốc “nín thở”

Theo giới quan sát, khi cuộc đua vào Nhà Trắng sắp khép lại, Trung Quốc đang trong trạng thái đề phòng cao độ. Nhiều quan chức Trung Quốc và giới quan sát cảnh báo, quan hệ Mỹ - Trung có thể sắp bước vào một trong những giai đoạn bất định và nguy hiểm nhất sau mấy chục năm. Họ nói rằng, Bắc Kinh đang cố gắng tránh đối đầu và xung đột quân sự với Washington, vì giai đoạn từ nay đến ngày tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ 20/1 sẽ còn nhiều biến động.

Cuộc bám đuổi sít sao giữa hai ứng viên Trump và Biden có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiến pháp kéo dài, nguy cơ gây ra hỗn loạn và bạo lực và khiến Trung Quốc trở thành đối tượng bị nhắm đến nhiều hơn, các chuyên gia phân tích an ninh và chính trị Trung Quốc nhận định.

“Cả hai ứng viên đều muốn dùng Trung Quốc làm bao cát để đấm trong lúc vận động tranh cử và họ có thể sẽ tiếp tục chơi lá bài Trung Quốc, nhất là sau bầu cử”, báo South China Morning Post dẫn lời một cố vấn giấu tên của chính phủ Trung Quốc. “Nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng vì kết quả bầu cử, đó sẽ là giai đoạn nguy cơ cao cho quan hệ hai nước, có thể trở thành ngã rẽ mới tiến tới một cuộc xung đột, đặc biệt từ ông Trump”, vị cố vấn nói.

Dù lo lắng, Bắc Kinh kiềm chế bình luận về hai ứng viên Mỹ, nhất là sau khi ông Biden chỉ trích ông Trump kết thân với lãnh đạo Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Dù nhiều người không tin cá nhân ông Biden sẽ đối kháng với Trung Quốc, nhưng những phát biểu của ông cho thấy quan điểm thay đổi của phe Dân chủ theo hướng đồng thuận với đảng Cộng hòa, rằng Bắc Kinh là mối đe dọa hàng đầu lâu dài với Mỹ. Nếu rút ra một bài học từ cuộc tranh luận cuối cùng của hai ứng viên thì đó là Trung Quốc ngày càng bị coi là vấn đề trong nước đối với người Mỹ.

“Không ai có thể không có quan điểm trong những vấn đề liên quan đến Trung Quốc”, Deng Yuwen, cựu biên tập viên Thời báo Nghiên cứu thuộc Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, nhận định.

Ông Deng cho rằng, 2-3 tháng tới sẽ là giai đoạn nguy hiểm nhất trong lịch sử quan hệ Mỹ - Trung, đặc biệt nếu ông Biden giành chiến thắng sít sao. “Nếu nghĩ có thể hưởng lợi khi tình hình rối loạn, ông Trump có thể khuấy động phiền phức, thậm chí khiêu khích Trung Quốc để hai nước tiến tới xung đột. Có thể đó sẽ là điều bất ngờ tháng 11 hoặc tháng 12”, ông Deng nói.

Nếu ông Biden thắng, căng thẳng Mỹ-Trung sẽ tạm lắng

GS Carlyle Thayer, ĐH New South Wales cho biết, lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ ủng hộ việc coi Trung Quốc và Nga là nguy cơ chính đối với Mỹ. Vì thế, ai lên làm tổng thống Mỹ thì căng thẳng về vấn đề Đài Loan và biển Đông nhiều khả năng vẫn tiếp tục. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể nỗ lực cài đặt lại quan hệ với chính quyền của ông Biden. Điều này có thể dẫn tới việc tạm thời giảm căng thẳng. Nhưng Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu Trung Quốc ở biển Đông và ủng hộ Đài Loan.

Nếu tái đắc cử tổng thống, ông Trump sẽ mạnh tay hơn và tiếp tục ép Trung Quốc nhượng bộ thương mại. Nếu ông Pompeo tiếp tục làm ngoại trưởng, ông ấy sẽ tiếp tục công cuộc chỉ trích Trung Quốc. Và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper sẽ tiếp tục đương đầu Trung Quốc về mặt quân sự ở biển Đông. Dưới sức ép của Mỹ, các thành viên còn lại của “Bộ tứ kim cương” (Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ) sẽ nỗ lực đẩy lùi Trung Quốc. Chính quyền của ông Trump nhiệm kỳ hai sẽ gây áp lực với các nước trong khu vực để họ phải chọn phe.

Nhóm của ông Trump đang chuẩn bị dùng biện pháp pháp lý nếu kết quả của hai người sít sao. Ngày 1/11, ông Trump nói với báo giới: “Ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc, chúng tôi sẽ vào cuộc với các luật sư”.

“Mỗi ngày đều có lời nhắc nhở mới về mức độ cạnh tranh quyết liệt như thế nào, về mức độ mà bên kia sẵn sàng tiến tới để vùi dập kết quả. Đặc biệt tại Philadelphia, Tổng thống Trump sợ hãi về những điều sẽ xảy ra ở Pennsylvania”, AP dẫn lời ông Biden nói trong bài phát biểu hôm 1/11.

MỚI - NÓNG