Ông Chung nói, thời còn giám đốc Công an thành phố, “thống kê 180 quán bia trên vỉa hè có hơn 150 quán có ông công an đứng đằng sau”. Ông Chung cũng chỉ thẳng, có tình trạng các bí thư, chủ tịch quận, phường có người nhà, người thân quản lý, kinh doanh các bãi giữ xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè. Đồng thời yêu cầu, lãnh đạo các quận, huyện phải là người quán triệt, giáo dục, bảo người nhà chấm dứt nạn chiếm vỉa hè.
Sự quyết liệt, không ngại va chạm đến mức rất cụ thể, có con số thống kê thuyết phục (87% quán bia có công an “chống lưng”), thậm chí chỉ đích danh (các điểm bãi đỗ xe ở bến xe Mỹ Đình), là chuyện quá hiếm lâu nay, nhất là phát ngôn trên lại từ vị thế của một vị chủ tịch cấp tỉnh, thành lớn như Hà Nội.
Thực ra, người dân đều biết và cảm nhận được thực trạng “chống lưng” mà ông Chung nêu từ lâu. Song họ chỉ tường tận tình trạng “bảo kê”, “chống lưng” xảy ra trên con phố mà họ đang sinh sống, còn việc thừa nhận công khai kèm những con số thống kê trên diện rộng một cách chính xác phải thuộc về các cơ quan chức năng.
Và cuối tuần qua, người đứng đầu chính quyền thành phố đã lần đầu tiên lên tiếng, như một sự xác nhận, một tiếng nói đồng cảm với hàng triệu người dân.
Hóa ra, mấu chốt của vấn đề, của căn bệnh trầm kha mang tên “lấn chiếm vỉa hè” không phải ở phía dân, mà lại ở phía “quan”- các vị bí thư, chủ tịch quận, phường. Hóa ra, vấn đề vỉa hè đâu chỉ có mưu sinh, mà còn có cả mưu lợi!
Chưa ai thống kê trị giá của “nền kinh tế” vỉa hè này, song chắc chắn không hề nhỏ. Nhiều bạn đọc cho rằng, ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã dũng cảm “bắt trúng bệnh”, giờ là lúc họ chờ thành phố ra “phác đồ điều trị” và “kê đơn, bốc thuốc” nữa mà thôi.
Căn bệnh đó, người dân hay gọi là “chống lưng”. Còn thuật ngữ của các cơ quan phòng, chống tham nhũng gọi là “lợi ích nhóm”. Và cuối tuần qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bằng phát biểu đầy ấn tượng và thuyết phục của mình, ông đã chính thức tuyên chiến với “lợi ích nhóm” trong lĩnh vực quản lý lòng đường, vỉa hè ở Hà Nội.
Hy vọng, với cách tiếp cận để giải quyết tận gốc vấn đề, không ồn ào mà thuyết phục để người dân ủng hộ, “tâm phục, khẩu phục”, vì một thủ đô văn minh, sạch đẹp, có tính đến kế mưu sinh cho những người nghèo, vỉa hè Hà Nội sẽ không chỉ được trả lại cho người đi bộ mà còn là nơi thể hiện được bề dày văn hóa của thủ đô ngàn năm văn hiến.