TPO - TPHCM đang xây dựng và hướng đến mô hình đô thị văn minh, hiện đại nhưng ngay trong khu vực nội thành, khu trung tâm vẫn còn nhiều hình ảnh chưa đẹp mắt.
Dù đã có quy định cấm chăn dắt vật nuôi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) nhưng tối nào cũng vậy, đặc biệt là vào dịp cuối tuần, nhiều người vẫn đưa "thú cưng" đến đây đi dạo. Đa số những con chó ở đây đều không rọ mõm, phần lớn được chủ dắt dây nhưng vẫn còn nhiều chú cún tự do chạy loạn xạ gần nơi vui chơi có nhiều trẻ em.
Đa số cún cưng có mặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ đều là các giống chó ngoại, có những con rất to lớn... Chị Minh Trang (nhân viên văn phòng ở quận 3) cho biết: "Ở đây hầu như không ai quan tâm đến quy định cấm đưa chó mèo đến phố đi bộ Nguyễn Huệ".
Càng về khuya, lượng chó mèo đưa đến phố đi bộ Nguyễn Huệ càng nhiều. Chúng tự do chạy nhảy khắp nơi, thậm chí phóng uế bừa bãi ngay trên đường nhưng không phải người chủ nào cũng có ý thức thu dọn.
Trẻ em tò mò thích thú chạm vào những con chó.
Nhiều chú chó không được rọ mõm nguy cơ mất an toàn cho những người xung quanh
Nhiều công viên ở TPHCM trở thành nơi giải quyết "đầu ra" của chó. Không ít người đi xe máy chở chó đến công viên để chúng đi vệ sinh rồi chở về chứ không có ý thức thu dọn.
Trong vòng 30 phút, tại công viên Lò Gốm (đường Nguyễn Văn Luông, phường 10, quận 6), PV ghi nhận có hơn 10 người chở chó trên xe máy đến đây đi vệ sinh. "Tôi thường đến đây tập thể dục và luôn phải chịu đựng mùi hôi thối từ chất thải của chó. Tôi cũng vài lần nhắc nhở người đưa chó đến giữ vệ sinh chung nhưng họ chỉ trả lời vài ba câu rồi chở chó đến nơi khác, có lần người chủ chó còn đòi đánh tôi vì… nhiều chuyện” – bà B (55 tuổi) cho hay.
Trên đường Tô Hiệu (quận Tân Phú), lợi dụng khu đất trống chưa triển khai xây dựng, nhiều người đổ rác, xà bần ngổn ngang, bất chấp nơi đây gắn biển "cấm đổ rác". Bãi rác lộ thiên này còn để rác tràn ra vỉa hè gây mất vệ sinh môi trường và bốc mùi hôi thối...
"Rất khó tìm được người xả rác vì cứ đi ngang là họ ném bao rác vào rồi chạy vút đi. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tổ dân phố nhưng cũng rất khó xử lý vì không bắt được tận tay” – ông Thanh (60 tuổi, ngụ trên đường Tô Hiệu) cho biết.
Một điểm tập kết rác trên đường An Dương Vương (quận Bình Tân) ngổn ngang xà bần, rác thải. "Trong khi chờ người đến lấy rác thì nhiều hộ dân xung quanh, người đi đường thẳng tay ném rác lên vỉa hè. Ngay trong quận nội thành mà xả rác bừa bãi thế này thì thật khó chấp nhận" - ông Thành, một người dân sinh sống trong khu vực này nói.
Trong khi đó, tình trạng vẽ bậy, dán bảng quảng cáo tràn lan ở nhiều khu vực trung tâm quận 1 cũng tạo hình ảnh nhếch nhác cho người dân sống ở TPHCM cũng như du khách. Những hình ảnh quái dị, xấu xí được bôi vẽ ở nhiều căn nhà, quán cà phê...
Những hình ảnh không đẹp mắt tại một công trình đang xây dựng ở quận 3.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội cho biết, tại TPHCM, nhiều khu vực vẫn còn tình trạng chèo kéo du khách, người buôn bán lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Tại nhiều tuyến đường, bờ kênh… rác bị vứt bừa bãi; ở nơi công cộng như bệnh viện, nhà ga, công viên…Người dân vẫn thoải mái hút thuốc, đi vệ sinh vào gốc cây, bức tường ngay giữa “thanh thiên bạch nhật”’. Đa số người dân than phiền, nhưng một bộ phận khác lại ứng xử tùy tiện, thiếu trách nhiệm với chính nơi mình đang sinh sống, làm việc.
“Muốn trở thành thành phố văn hóa, văn minh thì mỗi cá nhân phải đồng lòng thực hiện, một hành động nhỏ của mỗi người dân như không xả rác, đi vệ sinh đúng nơi quy định… cũng đã góp phần làm cho TPHCM trở nên xanh, sạch, đẹp hơn” - ông Phương nói.
TPO - Hiện có khoảng 60 trường đại học đã công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, phần lớn các trường nghỉ 2 tuần, có trường nghỉ nhiều lên tới 6 tuần.
TPO - Ngày 15/12, Công an các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum, Nghệ An tổ chức Lễ ra quân thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.