Doanh nghiệp đang “lợi dụng” chính sách
Sau khi dư luận liên tục phản ánh tình trạng phức tạp của vận tải hành khách trên địa bàn, TPHCM lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý. Đoàn kiểm tra này làm việc liên tục trong hơn 2 tháng qua và vừa có báo cáo chi tiết.
Theo đó, đoàn kiểm tra đã xử lý được 736 vụ vi phạm với số tiền gần 1 tỷ đồng với nhiều hành vi khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối, gây tranh cãi nhất lâu nay là hoạt động sử dụng xe khách theo hợp đồng để hoạt động như xe khách tuyến cố định đã không thể xử lý.
Thông báo kết luận do ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TPHCM nêu: Xe hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng có các điều kiện như: Vận tải phải có hợp đồng, danh sách hành khách, địa điểm đón trả khách... Khi kiểm tra, các phương tiện hoạt động theo loại hình này đều xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ trên nên công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn. “Mấu chốt ở đây là các văn bản quy định loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng có những điều chưa chặt chẽ, chưa theo kịp thực tiễn, có thể lợi dụng để lách luật”, văn bản kết luận.
Cũng theo báo cáo này, có những vi phạm có thể dùng làm căn cứ để xử lý xe trá hình nhưng hết sức khó thực hiện. Đó là hành vi “bán vé, thu tiền hoặc thực hiện việc xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe”. Nhưng cũng theo báo cáo của Sở GTVT TPHCM, cần một lực lượng có thẩm quyền, phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan mới có thể xử lý.
Trong các văn bản gửi Bộ GTVT liên quan đến quy định quản lý xe khách nói chung và xe “trá hình” nói riêng, đại diện Sở GTVT chỉ ra nhiều quy định hiện hành cũng như đang sửa đổi cần điều chỉnh. Chẳng hạn, Bộ GTVT đang soạn quy định theo hướng xe chở khách theo hợp đồng không được chở khách lặp đi lặp giữa hai địa điểm khác nhau. Sở GTVT TPHCM cho rằng, nếu quy định như vậy, DN có thể dễ dàng lách luật bằng cách dịch chuyển địa điểm đó một khoảng cách ngắn. Từ đó, sở này đề nghị bổ sung chữ “và xung quanh địa điểm đó” để chặt chẽ.
Sở GTVT cũng cho rằng, những quy định xử phạt trong dự thảo của Bộ GTVT không thể khả thi, như: Đề nghị Sở GTVT thu hồi các giấy phép hoạt động của doanh nghiệp căn cứ trên vụ tai nạn/số lần vi phạm... Sở GTVT cho rằng, xe khách hoạt động toàn quốc nên để thực hiện điều này được, Bộ GTVT nên đứng ra thống kê để địa phương xử lý; hoặc nên bỏ ý định này. Tuy nhiên, theo Sở GTVT, Bộ GTVT không chấp nhận góp ý này trong văn bản trả lời gần nhất.
Bộ “né”
Như Tiền Phong liên tục phản ánh, tình trạng doanh nghiệp dùng xe khách theo hợp đồng chở khách tuyến cố định nhức nhối tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Tình trạng này làm rối loạn môi trường kinh doanh vận tải, ùn tắc giao thông nội đô và tiềm ẩn nguy cơ trốn thuế cao.
Nhằm giải quyết tình trạng này, trong cuộc làm việc với Bộ GTVT mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ GTVT phải sớm hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP (về quản lý kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, trong đó có điều chỉnh nội dung xe trá hình nêu trên - PV) trình Chính phủ vào cuối tháng 4 vừa qua.
Trong những ngày qua, PV Tiền Phong nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho cán bộ cấp vụ đề nghị cung cấp bản dự thảo trình Chính phủ nhưng không được hồi âm. Qua nhiều lần làm việc cho thấy, cán bộ vụ này thường xuyên né tránh các cơ quan báo chí.
Trong một đề nghị gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, nhóm các DN hoạt động xe khách kiến nghị cần gắn trách nhiệm cụ thể của cá nhân lãnh đạo Bộ GTVT và cơ quan soạn thảo nghị định. “Có như vậy mới tránh được tình trạng những năm qua chúng ta đã ban hành nhiều nghị định, thông tư về quản lý vận tải hành khách bằng xe ô tô và lần nào Bộ GTVT cũng khẳng định xe dù, bến cóc sẽ không còn đất sống, nhưng thực tế thì vấn nạn này vẫn ngày càng nhức nhối” – văn bản của các DN nêu.
Vấn đề xe khách trá hình, bến cóc đã được báo chí đề cập quá nhiều và thực tiễn cuộc sống cho thấy có nhiều bất ổn. Thế nhưng, dường như Bộ GTVT loay hoay với các quy định. Có không ít hoài nghi về lợi ích nhóm phía sau để cho xe khách trá hình và bến cóc tồn tại.
Sau khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực, Bộ GTVT chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định 91/2009/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Ba năm sau, Bộ GTVT lại trình Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 93/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định đã ban hành. Chỉ 2 năm sau đó, Bộ GTVT trình Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2014/NĐ-CP để thay thế cả hai nghị định trước đó và đến nay lại phải sửa đổi.