Bất đắc dĩ!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp ở khu vực phía Nam, nhiều lao động mất việc đã quyết định khăn gói về quê bằng xe máy. Báo chí và mạng xã hội những ngày qua đã ghi lại không ít cảnh xót xa trong cuộc “hồi hương” bất đắc dĩ với cảnh ăn bờ, ngủ đường, lỉnh kỉnh đồ đạc, trong đó có cả những đứa trẻ còn ẵm ngửa và có bé vừa hơn 1 tuần tuổi.

Và rất nhiều cảnh tượng thương tâm đã xảy ra từ chính những chuyến về quê định mệnh đó. Hôm qua, một gia đình 5 người chở nhau trên chiếc xe ba gác từ TPHCM về quê Nghệ An tránh dịch, đến Bình Thuận thì gặp tai nạn, cướp đi sinh mạng của đứa con mới 15 tuổi. Cũng hôm qua 1/8, một gia đình công nhân khác tại Bình Dương, gồm bố mẹ và hai đứa con nhỏ, tay xác nách mang, chở nhau trên chiếc xe máy về quê miền Trung tránh dịch đã va chạm với xe đầu kéo, khiến người chồng tử vong tại chỗ. Những cảnh tượng đó, chắc chắn ám ảnh nhiều người.

Vẫn biết, quyết định rời thành phố là lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên, thực tế đó không chỉ phản ánh cuộc sống bế tắc của người lao động mất việc làm, những người không thu nhập, nó còn phản ánh một góc khuất khác mà chúng ta buộc phải thừa nhận, đó là sự lúng túng, thiếu thông tin, không quyết liệt của chính quyền một số địa phương trước dịch bệnh.

Báo chí vẫn hằng ngày phản ánh về những đoàn hàng trăm người chạy xe máy “thoát” khỏi thành phố, lăn lóc ăn ngủ dọc đường, đầy rẫy nguy hiểm rình rập như tai nạn giao thông và lây lan dịch bệnh. Dù vậy, tôi có cảm giác rất ít cơ quan hay địa phương lên tiếng hoặc đưa ra giải pháp tốt hơn, để dừng ngay thực trạng rời thành phố bằng mọi giá như thế. Nhiều nơi, chính quyền thậm chí ra văn bản từ chối con em quê mình trở về vì lý do khu cách ly đã quá tải, nguy cơ dịch bệnh lây lan…

Thống kê đến năm 2021, TPHCM có hơn 9,3 triệu người và trở thành nơi có số dân đông nhất cả nước. Tuy nhiên, nếu tính thêm những người cư trú không đăng ký hộ khẩu thì dân số thực tế nơi đây đã hơn 13 triệu người. Theo số liệu mà Viện nghiên cứu phát triển TPHCM đưa ra, bình quân mỗi năm TPHCM tăng thêm 250.000 dân, trong đó 2/3 là dân nhập cư từ nơi khác đến và là nơi có thể nói để họ lập thân, lập nghiệp. Dù chưa có thống kê chính thức về số người đã rời thành phố về quê trong làn sóng dịch COVID-19 bùng lên lần thứ 4, nhưng những thống kê sơ bộ từ quản lý tạm trú ở các quận huyện cho thấy có khoảng 1 triệu người đã rời khỏi nơi đây. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ còn hàng triệu người nhập cư đang ở lại hoặc “mắc kẹt” tại đây khi mà sau ngày 1/8 với thông điệp “Ai ở đâu ở yên đó” được ban hành.

Không ai khẳng định họ “ở lại” lúc này là may mắn hay đã rời đi khỏi thành phố về quê là giải pháp tối ưu. Nhưng trước mắt, để họ được sống trong 14 ngày giãn cách tiếp theo, tôi nghĩ chính quyền sở tại cũng phải nhận thức rõ trách nhiệm, tăng cường quản lý chặt chẽ, hỗ trợ thiết thực cho đời sống của họ từ bữa cơm, chỗ ở, và kể cả phải đảm bảo cho họ được an toàn trước dịch bệnh bằng giải pháp vắc- xin. Có như vậy mới không còn những chuyến hồi hương đầy đau thương như đã xảy ra.

MỚI - NÓNG
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
TPO - Nhận xét về ca sĩ Phạm Anh Duy, cả Thu Minh và Trấn Thành bị khán giả chỉ trích miệt thị ngoại hình đàn em. Trong tập 12 "Bài hát của chúng ta", bốn gương mặt nghệ sĩ phải nói lời chia tay với chương trình.