'Bất chiến tự nhiên thành'

'Bất chiến tự nhiên thành'
TP - Một thành ngữ cổ, để chỉ những sự việc tự nhiên có kết quả, không phải do người ta cố gắng mà được.

> Chưa đúng tinh thần cải cách tư pháp

Trong tố tụng hình sự nước ta hiện nay, nhiều trường hợp tranh luận tại toà, công tố viên cũng “bất chiến tự nhiên thành”: Họ không cần đối đáp từng vấn đề cụ thể, trích các bút lục trong hồ sơ và các điều luật để chứng minh, cũng có thể “thắng” các luật sư một cách dễ dàng!

Luật sư Vũ Quang Ninh và kiểm sát viên Lã Thanh Bình tranh luận tại phiên tòa
Luật sư Vũ Quang Ninh và kiểm sát viên Lã Thanh Bình tranh luận tại phiên tòa.

Trở lại phiên toà ngày 14-8, TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm bị cáo Ngô Tiến Long bị truy tố về hành vi “giết người” theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh (Tiền Phong đã có bài tường thuật “Chưa đúng tinh thần cải cách tư pháp”).

Đại diện Viện KSND tỉnh Quảng Ninh giữ quyền công tố tại toà là kiểm sát viên Lã Thanh Bình; bào chữa cho bị cáo Long là luật sư Vũ Quang Ninh (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh).

Luật sư: Có vi phạm tố tụng

Phát biểu quan điểm bào chữa cho bị cáo Long, luật sư Vũ Quang Ninh khẳng định hoạt động điều tra và truy tố của vụ án này đã có hàng loạt vi phạm tố tụng ở mức độ nghiêm trọng; luật sư Ninh đề nghị HĐXX trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhằm khắc phục các lỗi về tố tụng này.

Để chứng minh hoạt động điều tra, truy tố có vi phạm tố tụng, luật sư Ninh nêu ra nhiều dẫn chứng, trong đó điển hình là việc một số điều tra viên của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã dẫn giải, tạm giữ, lập biên bản ghi lời khai nhân chứng Trần Thị Cẩm không đúng các quy định pháp luật.

Cụ thể, các điều tra viên không lập biên bản ghi lời khai chị Cẩm tại xã Cổ Bì (huyện Bình Giang, Hải Dương, nơi chị Cẩm đang cư trú), mà dẫn giải nhân chứng này về trụ sở Công an tỉnh Quảng Ninh (TP Hạ Long, Quảng Ninh), việc dẫn giải đó không có lý do và không đúng trình tự, thủ tục pháp luật.

Sau đó, các điều tra viên lấy lời khai chị Cẩm vào ban đêm; họ tiếp tục “câu lưu” nhân chứng này tại CQĐT hết đêm đó.

Sáng hôm sau, việc lấy lời khai chị Cẩm không diễn ra theo cách hỏi - đap và ghi lại theo diễn biến thực tế, mà chỉ chép lại nguyên xi từng dấu chấm, dấu phẩy lời khai đêm trước...

Luật sư Ninh nêu ra các bút lục có trong hồ sơ, và dẫn thêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, để chứng minh sự việc nêu trên là vi phạm tố tụng nghiêm trọng (đó là các Điều 86, 133, 134, 135 và một số điều khác trong Bộ luật Tố tụng hình sự).

Công tố viên: Thế là bình thường!

Đáp lại quan điểm của luật sư, kiểm sát viên Lã Thanh Bình nói ngắn gọn: Việc mời người làm chứng về trụ sở CQĐT để lấy lời khai là cần thiết và cũng là chuyện bình thường; trường hợp này chỉ là mời đi, không “dẫn giải”, “tạm giữ” gì cả; điều quan trọng, lời khai tại CQĐT của chị Cẩm phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác của vụ án, nên nó có giá trị để chứng minh - việc điều tra bổ sung là không cần thiết...

Những người dự toà, ngay cả những người không am hiểu sâu về pháp luật, cũng nhận thấy lời đối đáp của kiểm sát viên Bình như trên là không thoả đáng. Bởi ông Bình chỉ nói... khơi khơi như vậy, mà không trích dẫn bất cứ điều nào trong Bộ luật Tố tụng hình sự để chứng minh.

Ông Bình cũng chỉ nói về việc “dẫn giải” và “tạm giữ”, còn bỏ qua nhiều nội dung luật sư đã nêu ra, như việc lấy lời khai nhân chứng ban đêm, và việc lời khai thứ hai chép nguyên xi lại lời khai thứ nhất.

Tại phiên toà lần này, không chỉ nhân chứng Cẩm, mà nhiều nhân chứng khác cũng thay đổi lời khai so với lời khai tại CQĐT.

Nhiều người dự toà tự hỏi: Những lời khai tiền hậu bất nhất, giữa họ chưa được đối chất, thực nghiệm hiện trường, xác minh qua các tài liệu khách quan khác như list điện thoại... vậy lấy đâu căn cứ để nhận định chúng phù hợp với lời khai của nhân chứng Cẩm?!

HĐXX: Công tố nói mới đúng

Như bạn đọc đã biết, kết thúc phiên toà này, HĐXX không chấp nhận đề nghị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của luật sư, mà hoàn toàn đồng ý với đề nghị của công tố viên, tuyên bị cáo Long phạm tội “giết người” với mức hình phạt “tù chung thân”.

Trong bản án đã tuyên, HĐXX cho rằng lời khai của những người làm chứng và can phạm trong vụ án phù hợp với diễn biến thực tế của vụ án, phù hợp với diễn biến tâm lý tội phạm, phù hợp với những suy luận logic...

Với nhận định như vậy, HĐXX không đánh giá từng sai phạm tố tụng cụ thể mà luật sư đã nêu ra, thay vào đó là việc đánh giá, nhận định nhằm tìm ra những nét thống nhất, hợp lý, logic giữa các tài liệu, lời khai, để từ đó đi đến nhận định mang tính kết luận...

Nhiều người dự toà hiểu rằng, những tài liệu được thu thập không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì không được coi là chứng cứ; những lời khai tiền hậu bất nhất và mâu thuẫn với các tài liệu khác cũng không được coi là chứng cứ.

Theo các nguyên tắc này, họ nhận thấy việc kết tội Ngô Tiến Long mới chỉ dựa trên các tài liệu (chưa đủ giá trị pháp lý) kết hợp với sự suy đoán, còn thiếu điều quan trọng là chứng cứ. Và vì vậy, họ cho rằng bản án đã tuyên còn thiếu thuyết phục.

Trong giai đoạn truy tố Ngô Tiến Long, Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đã từ chối, không cho luật sư Vũ Quang Ninh được sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án. Cơ quan này viện dẫn Điều 166 Bộ luật Tố tụng hình sự để trả lời luật sư; theo quý Viện hiểu thì điều luật này, thì luật sư chỉ được sao chụp tài liệu trong hồ sơ “sau khi Viện kiểm sát ban hành quyết định truy tố”.

Luật sư Ninh có đơn khiếu nại đề ngày 26-6-2012, trong đơn trích dẫn Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự để cho rằng người bào chữa được “đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra”.

Theo quy định pháp luật, khiếu nại của ông Ninh được giải quyết trong vòng 07 ngày, song đến nay Viện KSND tỉnh Quảng Ninh chưa ra văn bản giải quyết khiếu nại của ông Ninh. Âu cũng là một kiểu “bất chiến tự nhiên thành”?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG