Chiều 29/5, cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Cảnh sát biển, đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (Điện Biên) băn khoăn, không biết lực lượng cảnh sát biển có phải là lực lượng vũ trang hay không? Theo bà Dung, phải quy định minh bạch trên cơ sở quy định, lực lượng cảnh sát biển phải là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc Bộ Quốc phòng.
Liên quan đến việc này, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (đoàn Hà Giang) lý giải, Quân đội nhân dân Việt Nam có ba thứ quân: Quân chủ lực, quân sự địa phương và dân quân tự vệ. Trong đó, quân chủ lực có phòng không, không quân, lục quân, bộ binh, hải quân, thông tin, hóa học, công bình, trinh sát, bộ đội biên phòng và lực lượng cảnh sát biển, tất cả đều thuộc Bộ Quốc phòng. Chức năng của từng lực lượng rất rõ, không chồng chéo. Trong đó cảnh sát biển là lực lượng thực thi pháp luật trên biển, làm nhiệm vụ quốc tế biển.
Theo Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, lực lượng cảnh sát biển thành lập 20 năm, và năm 2014, khi có sự gây hấn trên biển thì lực lượng trực tiếp ra đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển chủ yếu là lực lượng cảnh sát biển. “Anh em làm 24/24 trên biển để đấu tranh, bảo vệ vùng biển của chúng ta, được Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao về tinh thần anh dũng, chiến đấu hi sinh để bảo vệ vùng biển của chúng ta”, ông Sùng Thìn Cò cho hay.
Vị đại biểu là Phó Tư lệnh Quân khu 2 đồng thời nhấn mạnh, nếu tình hình trên biển có chiến tranh xảy ra, lực lượng cánh sát biển là chủ lực chính, hiệp đồng với lực lượng hải quân chiến đấu, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
“Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển thời bình cũng như thời chiến đều gian nan, vất vả. Cảnh sát biển phải chính quy, hiện đại, vì hiện nay, bảo vệ vùng biển thì phải có phương tiện hiện đại, tàu hiện đại, trang bị vũ khí hiện đại, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại. Nếu không hiện đại thì không thực hiện nhiệm vụ được”, Tướng Sùng Thìn Cò nói.
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, điểm nổi bật là dự thảo luật này đã được xin ý kiến của nhiều cơ quan, như Uỷ ban Quốc phòng- An ninh, Uỷ ban Pháp luật, đặc biệt là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Rất nhiều ý kiến được ban soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa một cách tối đa, đồng thời phải nâng lên đặt xuống rất nhiều để khắc phục sự chồng chéo.
Thượng tướng Lê Chiêm cũng khẳng định, cảnh sát biển đương nhiên là thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, điều này “không thể chối cãi được”. Trước đây Pháp lệnh 2008 nói rất rõ, còn bây giờ do quan hệ quốc tế chi phối, tác động, nên phải xây dựng luật cho phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng khẳng định, quy định cảnh sát biển là lực lượng nòng cốt như dự thảo là phù hợp nhất. Còn trong những địa bàn chưa phân rõ giới hạn, phạm vi hoạt động thì các lực lượng có thể phối hợp thực hiện, bên nào phát hiện trước sẽ xử lý trước, sau đó bàn giao cho bên trực tiếp quản lý.