Kết thúc buổi ghi hình, nhiều khán giả tham gia cổ vũ vây quanh để chúc mừng tiết mục biểu diễn đầy ấn tượng của “ảo thuật gia” made in... Cảnh sát biển. Trên chuyến xe từ Hà Nội về thành phố Cảng Hải Phòng, tôi đã có cuộc trò chuyện với người lính trẻ này và mới hiểu thêm vì sao anh lại có được bản lĩnh sân khấu dày dạn với những tiết mục biểu diễn điêu luyện đến vậy.
Phạm Đình Quý sinh năm 1998 trong một gia đình không có ai hoạt động nghệ thuật ở tỉnh Thái Bình. Nói về cơ duyên đến với bộ môn ảo thuật, Quý cho biết, cách đây 8 năm, tình cờ anh được gặp và quen biết với một nhà ảo thuật có tiếng ở Hải Phòng về biểu diễn tại Thái Bình.
Những tiết mục ảo thuật đầy vui tươi nhưng cũng hết sức bí ẩn đã làm cho cậu học sinh lớp 6 hết sức ngạc nhiên và tò mò. Và khi đã trở thành người thân quen trong gia đình Quý thì người anh - ảo thuật gia ấy mới bật mí vài trò ảo thuật nhỏ khiến cho niềm đam mê của Quý càng trở nên mãnh liệt. Hiểu được ước mơ của Quý, ảo thuật gia đã nhận anh làm học trò để truyền thụ niềm đam mê ảo thuật.
Trong quãng thời gian 8 năm vừa học, vừa làm, đã có biết bao nhiêu vất vả, khó khăn mà Quý đã trải qua với bộ môn ảo thuật huyền bí này. “Ảo thuật đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn nên người học, người biểu diễn phải có năng khiếu, sự tập trung nhưng cũng hết sức “giả vờ” mới có thể “biến không thành có, biến có thành không”, như vậy tiết mục mới thành công được”, Quý chia sẻ.
Phạm Đình Quý kể về một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong lần biểu diễn cách đây 8 năm tại Hà Nội. Đó là lần đầu tiên Quý được đứng trên sân khấu, phía dưới rất đông khán giả nên anh khá run, hồi hộp và lo lắng cho tiết mục của mình. Tiết mục biểu diễn không được hoàn hảo vì anh mắc một số lỗi trong quá trình thao tác nhưng cũng chính từ đó mà Quý tập trung luyện tập cả về tâm lý lẫn chuyên môn ngày càng vững vàng.
Giờ đây, các tiết mục được Quý biểu diễn trên sân khấu hết sức tự tin, thành thục và được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tính đến nay, anh đã biểu diễn được gần 100 tiết mục từ đơn giản đến phức tạp. Nhóm ảo thuật của Quý đã đi biểu diễn phục vụ khán giả rất nhiều tỉnh thành trong cả nước và đã từng tham dự Đại hội Ảo thuật toàn quốc.
Trong số những tiết mục mà Phạm Đình Quý từng biểu diễn, anh ấn tượng nhất là các tiết mục đòi hỏi kỹ năng cao như “Đâm xuyên người”, “Lồng hóa người”, “Gậy - chim - hoa”… Theo Quý, những tiết mục khó liên quan đến các con vật như chó, mèo, chim vì phải mất rất nhiều thời gian để chăm sóc, huấn luyện và để cho con vật hiểu được ý đồ biểu diễn của mình.
Nhập ngũ đầu năm nay, binh nhì Phạm Đình Quý đang huấn luyện tân binh tại Tiểu đoàn 158, Vùng 1 Hải quân. Quý đang tích cực rèn luyện, học tập tại Tiểu đoàn và mong chờ sau khi kết thúc khóa huấn luyện được biên chế về đơn vị mới để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ngoài giờ học tập, huấn luyện, với khả năng của mình, Quý đã đem đến cho đồng đội những tiết mục ảo thuật nhỏ, dễ thương cùng niềm vui, tiếng cười giúp vơi bớt những mệt nhọc trên thao trường. Anh đang chuẩn bị tham gia một số tiết mục ảo thuật trong chương trình giao lưu văn nghệ “Vũ điệu binh nhì” do Đoàn cơ sở Tiểu đoàn 158 tổ chức. Ước mơ của Phạm Đình Quý là sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh sẽ tiếp tục đi theo con đường ảo thuật mà mình đã đeo đuổi.