Sự kiện Trung Quốc lập ADIZ trên biển Hoa Đông đẩy căng thẳng với Nhật Bản dâng cao và khiến cộng đồng quốc tế lên án vì đe dọa sự ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, Global Times cho rằng, mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định ở Hoa Đông không phải là ADIZ của Trung Quốc, mà là các căn cứ quân sự Mỹ đóng tại khu vực.
Theo Global Times, quân đội Mỹ luôn hiện diện ngay sát ranh giới không phận Trung Quốc và có thể sử dụng các loại vũ khí tấn công như tên lửa hành trình cận âm AGM-86 để đánh phá các trung tâm kinh tế của Trung Quốc, trải dài từ Hắc Long Giang đến Vân Nam.
Khu vực này chỉ chiếm 36% lãnh thổ Trung Quốc, nhưng lại tập trung tới 94% dân số cả nước. Mỹ đặt hàng loạt căn cứ quân sự ở khu vực Đông Bắc Á và Guam. Căn cứ không quân Kadena trên đất Nhật Bản là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực, thường trú hai loại chiến đấu cơ F-15 và F-22 tối tân. Ngoài ra còn một phi đội kiểm soát và cảnh báo sớm cùng 8 máy bay tiếp dầu trên không KC-135. Căn cứ này còn có 4 đơn vị trinh sát tình báo.
Lực lượng quân sự Mỹ đóng tại Guam mạnh nhất khu vực Thái Bình Dương. Căn cứ không quân Andersen bao gồm lực lượng không chiến mạnh nhất, trang bị các loại máy bay tiên tiến nhất, bao gồm “pháo đài bay” B-52 ném bom chiến lược tầm xa, máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2, máy bay tiếp dầu KC-135 và chiến đấu cơ đa chức năng F-15E. Máy bay tiêm kích tàng hình F-22 Raptor cũng thường trực ở đó. Căn cứ Andersen chứa ít nhất 64 tên lửa AGM-86 có khả năng đánh phá mọi mục tiêu trên toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các đơn vị trinh sát tình báo còn được hỗ trợ bởi các máy bay không người lái tầm xa Global Hawk. Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trang bị hơn 300 chiến đấu cơ F-15 và F-2 chỉ mất 15 phút để xuất kích từ sân bay Naha ở Okinawa tới ADIZ Hoa Đông và mất 45 phút để tới duyên hải Trung Quốc.
Global Times viết rằng, chỉ cần từ ngoài hải phận Trung Quốc, tên lửa AGM-86 với vận tốc khoảng 900km/giờ có thể tấn công Thượng Hải trong vòng 1,5 phút, mất 5 phút để tấn công thủ phủ Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) và mất 15 phút để bắn tới Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang).
Trong khi đó, nếu phóng từ ngoài ADIZ Hoa Đông, tên lửa AGM-86 muốn đánh Thượng Hải, Phúc Châu, Hàng Châu phải mất nhiều thời gian hơn: lần lượt là 40, 27 và 43 phút. Tương tự, tên lửa siêu thanh AQM-127 Mỹ với tốc độ 2.800km/giờ có thể tấn công Thượng Hải, Phúc Châu, Hàng Châu chỉ mất 0,5 phút, 2 phút và 5 phút. Nhưng vì có ADIZ Hoa Đông, thời gian tấn công sẽ kéo dài thành 12 phút, 9 phút và 14 phút.
ADIZ còn tăng cường khả năng giúp Trung Quốc hạn chế Mỹ và Nhật Bản trinh sát hàng không. Theo Global Times, máy bay không người lái Mỹ-Nhật trang bị radar tầm quét khoảng 200km, có thể thực hiện nhiệm vụ do thám các tỉnh miền đông Trung Quốc như An Huy hay Giang Tây. Song nếu thiết lập ADIZ, duyên hải đông nam Trung Quốc không còn nằm trong tầm hoạt động của máy bay không người lái nữa.
Trung Quốc có thể dùng chiến thuật tàu cá chiếm Senkaku?
Báo chí Nhật Bản đang tranh luận về khả năng quân đội Trung Quốc phát động một chiến dịch đổ bộ chiếm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Tờ Sankei Shimbun cho rằng, bước đầu tiên, Trung Quốc có thể sử dụng đội quân tàu cá để phong tỏa quần đảo. Đội quân tàu cá sẽ dùng số lượng đông đảo để ngăn cản lực lượng tuần duyên Nhật Bản, trong khi đặc nhiệm Trung Quốc cải trang thành dân thường tiến hành chiến dịch đổ bộ. Sau đó, Bắc Kinh có thể phát động một cuộc xâm chiếm quy mô lớn với lý do “bảo vệ ngư dân”.
Nikkei gợi ý không quân Nhật Bản cần thành lập đơn vị cảnh báo sớm trên không thứ hai trang bị máy bay E-2C tại căn cứ Naha (Okinawa). Cư dân trên đảo Okinawa đã yêu cầu chính phủ mở một tuyến du lịch giữa đảo Ishigaki và Senkaku. Việc lập trạm phát thanh và dự báo thời tiết ở đây đang được xem xét.
GS Zhang Zhaozhong (Đại học Quốc phòng ở Bắc Kinh) ngày 13/4 nói với Global Times rằng, mọi nỗ lực của Nhật Bản đều vô ích nếu không có sự hậu thuẫn của Mỹ.
GS Zhang lưu ý tuyên bố mới đây của tướng John Wissler, chỉ huy lính thủy đánh bộ Mỹ tại Okinawa rằng, Mỹ đủ khả năng đánh bại một cuộc tấn công chiếm Senkaku của Trung Quốc mà không cần huy động lực lượng mặt đất. GS Zhang tin điều đó không có nghĩa Washington sẽ lâm chiến vì Tokyo.