Tôi trả lời anh bạn: “Chúng tôi chỉ viết, chỉ đăng những bài giới thiệu tác phẩm hay, tác giả tốt thôi ông ạ, còn như tác phẩm dở, đạo nhạc, nhạc nhái thì sao chúng tôi đăng được! Nếu cứ viết vậy, còn ai sẽ đọc báo chúng tôi?”.
Anh bạn lắc đầu: “Tiền quà tác giả gửi cho ông bằng hàng chục bài báo bình thường, vậy mà ông cứ bảo thủ. Nghèo là phải!”. Tôi bảo: “Tờ báo là công trình tập thể, tôi có viết thì qua các khâu sàng lọc, kiểm định, các đồng nghiệp của tôi cũng vứt vào sọt rác ông ạ”.
Tôi mở lòng: “Nếu tác phẩm tốt, chúng tôi sẽ viết đăng ngay và tác giả không cần phải quà cáp gì hết!”.
Anh bạn lặng im, rồi đáp: “Tôi cũng đã nghe tác phẩm ấy bao giờ đâu mà biết nó hay, dở thế nào. Họ đưa cho cục tiền, bảo nhờ giới thiệu tác phẩm để sớm trở thành nhạc sĩ!”.
Cụ Nguyễn Khuyến trong bài thơ Bán mình chuộc cha (về Thúy Kiều) viết: “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?”. Rất nhiều người nghĩ rằng có tiền là có tất, “trong tay đã sẵn đồng tiền” muốn gì mà chẳng được!
Tôi có anh bạn dạy nhạc, một hôm có vị khách đánh xe hơi rất đắt tiền đến hỏi lớp học ghi ta cho con. Vị khách nói rõ thế này: “Tiền với chúng tôi không thành vấn đề, thầy nói học phí bao nhiêu, chúng tôi trả bấy nhiêu, cộng thêm một phần bồi dưỡng cho thầy nữa. Nhưng thầy phải bao 3 tháng hè con tôi phải đánh được đàn nhé”.
Anh bạn của tôi, một cựu sinh viên nhạc Viện, đáp: “Thưa anh! Khóa học có giáo trình, giáo án, hàng trăm cháu học, chơi được nhưng với điều kiện các cháu phải đam mê, về nhà phải tự tập theo bài tập. Còn như các cháu chỉ học đối phó, về nhà không ngó ngàng gì đến bài học, phụ huynh cũng không động viên các cháu học đàn thì làm sao các cháu chơi được nhạc?”. Vị phụ huynh kia triết lý thế này: “Tôi bỏ tiền ra cho con học đàn mà nó không đánh được đàn thì bỏ tiền ra để làm gì!”, nói rồi đóng xe rầm một cái, đi thẳng.
Một câu chuyện khác, nghe như hài hước, nhưng có thật. Một chị kia tới đăng ký học lớp làm đẹp và nói với giáo viên: “Cô bao đậu thì em mới học!”. Cô giáo nói: “Tôi bao cho cô đậu!”.
Cô kia đánh xe hơi vào học vài buổi rồi bỏ bẵng đi, kết quả học rất kém. Cô nói: “Tôi chẳng việc gì phải học, vì tôi đã được bên tuyển sinh bao đậu rồi!”.
Cán bộ tuyển sinh khi ấy mới giải thích: “Chúng tôi nói bao đậu, nghĩa là cô cứ học, một tháng chưa được thì học hai tháng, chưa được thì học ba tháng, khi nào tay nghề giỏi thì sẽ đậu, chứ chúng tôi không bao việc cô đậu mà không cần học!”.
Cô kia bảo: “Em chỉ cần chứng chỉ, không cần chuyên môn. Em về mở trung tâm làm đẹp, thuê người làm chứ em có đụng tay đụng chân đâu chứ!”. Thầy cô nói: “Cô cần có chứng chỉ, còn nhà trường cần có học viên chăm chỉ”.
Một lương y, bảo tôi: “Giờ một số bệnh nhân tới khám mà cứ như đi mua bán vậy. Họ đặt thẳng vấn đề: Từng này thang thuốc, cộng lại là ngần này tiền. Nếu bác bao là sẽ khỏi bệnh thì chúng tôi mới mua, nếu không, chúng tôi chữa bệnh bằng phương pháp khác”.
Người lương y ôn tồn nói: “Muốn chữa hết bệnh, cần sự hợp tác của thầy thuốc với bệnh nhân và cả gia đình nữa, đâu phải cứ đưa tiền xong là lập tức khỏi bệnh!”.
Một giảng viên trường y, nhiều năm trong nghề, nói: “Bệnh nhân giàu có đến cỡ nào, khi vào bệnh viện vẫn là bệnh nhân, phải nghiêm túc chấp hành chữa trị theo hướng dẫn của các y bác sĩ, các lương y, chứ không thể yêu cầu y bác sĩ chữa bệnh theo cách họ nghĩ chỉ vì họ là người có tiền!”.
Nghề y và nhiều ngành nghề khác, đều có chuyên môn, có nguyên tắc khoa học, người ta không thể cậy mình nhiều tiền mà đòi “bao tất” theo thiển ý riêng không giống ai.