Cùng với việc mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 14/10, Bảo tàng Áo dài Việt Nam (phường Long Phước, TP. Thủ Đức) đang hướng đến các sân chơi văn hóa chuyên đề nhằm phục vụ các ngày lễ lớn trong tháng 10 và tháng 11.
Khi vào cổng, người dân được yêu cầu trình “thẻ xanh COVID” (hoặc giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19), đồng thời tuân thủ các quy định 5K trong quá trình tham quan, vui chơi.
Bảo tàng Áo Dài đã có thể treo lại các câu ca dao nói về áo dài để khách tìm hiểu, tương tác thêm - Ảnh: Ngô Tùng. |
Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo Dài Việt Nam cho biết: “Trở lại lần này, Bảo tàng Áo Dài tiếp tục duy trì cách thức tạo không gian tương tác mà vẫn đảm bảo mức độ an toàn theo quy định phòng chống dịch. Hiện chúng tôi cần thêm một thời gian thăm dò thị trường trước khi đưa ra những cách thức hoạt động cụ thể”.
Cùng với đó, bảo tàng hiện cũng làm chú thích câu chuyện cho hiện vật trưng bày được kỹ hơn để khách có thể tự theo dõi, tìm hiểu mà không cần có thuyết minh viên, đồng thời phát thông tin thuyết minh qua hệ thống loa… nhằm hạn chế việc tiếp xúc giữa người nói và người nghe.
Không gian trưng bày chuyên đề "Đường kim mũi chỉ" vừa ra mắt, đặc biệt phục vụ nhân dịp 20/10 và 20/11 sắp đến. |
Giám đốc Bảo tàng Áo Dài VN Huỳnh Ngọc Vân cho biết thêm, đơn vị cũng vừa đưa vào trưng bày triển lãm chuyên đề “Đường kim mũi chỉ”, dự tính tổ chức những sô biểu diễn các loại hình di sản phi vật thể trên sân khấu nổi, tái hiện không gian “Chợ quê”...
Bảo tàng Áo Dài VN miễn phí vé vào cổng và các phí dịch vụ cho các đoàn y tế, quân đội muốn đến bảo tàng.
Ngay trong ngày đầu tiên biết tin Bảo tàng Áo Dài VN mở cửa trở lại, chị Nguyễn Thùy Ý Nhi (45 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đã đến thăm thú, chụp hình như một chuyến picnic nho nhỏ - Ảnh: Ngô Tùng. |
Mở cửa trở lại khoảng một tuần nay, lượng khách đến tham quan, sinh hoạt tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (quận 3, TPHCM) khá khiêm tốn, nhỏ giọt.
“Hiện bảo tàng chủ yếu phục vụ các đoàn khách là lực lượng tuyến đầu, còn khách vãng lai thì rất thưa thớt, có ngày chỉ dưới 10 khách”, một thuyết minh viên của bảo tàng cho hay.
Gần một tuần qua, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (quận 3) đón nhiều đoàn y bác sỹ, chiến sỹ tuyến đầu chống dịch đến tham quan - Ảnh: Ngô Tùng. |
Cũng giống như Bảo tàng Áo Dài VN, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh thực hiện miễn phí vé tham quan dành cho các lực lượng tham gia chống dịch - Ảnh: Ngô Tùng. |
Dù đã mở cửa trở lại hơn 10 ngày, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (quận 1) vẫn khá im ắng. Chị Nhung - nhân viên thuyết minh, cho biết bảo tàng đã bắt đầu hoạt động trở lại từ đầu tháng 10 và tuân thủ theo Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch mà UBND TPHCM ban hành, trong đó đảm bảo khách tham quan phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện khai báo y tế từ bên ngoài cổng... |
Trong khi đó, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (quận 1) vẫn chưa thể tái hoạt động sau hơn 4 tháng "đóng băng".
Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cho hay, hiện nay đơn vị chưa thể hoạt động và đang chờ chỉ đạo, chủ trương của UBND TPHCM. Các hoạt động cũng chờ Bộ tiêu chí ban hành để áp dụng và thực hiện được chặt chẽ, trong đó vấn đề then chốt là đảm bảo tốt về công tác phòng chống dịch.
"Thời gian này, bảo tàng đang chuẩn bị các bước, tiến hành dọn dẹp, chỉnh trang, bố trí không gian trưng bày; mua sắm một số thiết bị đảm bảo kiểm soát lượng người ra vào...", ông Trần Thanh Bình chia sẻ với Tiền Phong.
Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM đã đóng cửa thực hiện trùng tu, sửa chữa từ nhiều tháng qua và hiện vẫn chưa có thông báo thời gian hoạt động trở lại. Tương tự, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ở quận 3 cũng đã ngưng đón khách để sửa chữa. |
Trước đó, hầu hết các bảo tàng trên địa bàn TPHCM đều ngừng hoạt động từ cuối tháng 5 theo quy định siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: Ngô Tùng. |
Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh trên đường Lê Duẩn (quận 1) vẫn chưa hoạt động trở lại - Ảnh: Ngô Tùng. |
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tọa lạc bên trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện cũng còn đóng cửa - Ảnh: Ngô Tùng. |